Dân số vàng - Cơ hội và thách thức

Dân số vàng - Cơ hội và thách thức

Việt Nam đang trong thời kì “cơ cấu dân số vàng” khi mà cứ một người phụ thuộc thì có hai người trong độ tuổi lao động. Dự báo đến khoảng năm 2040, Việt Nam sẽ kết thúc thời kì “cơ cấu dân số vàng”. Thời kì “Cơ cấu dân số vàng” mang lại cơ hội và thách thức cho sự phát triển đất nước.

 

1. Cơ cấu dân số vàng là gì?

Theo một số nghiên cứu của Liên hợp quốc, cơ cấu dân số của một quốc gia được coi là trong thời kì cơ cấu dân số vàng (Demographic windown of oppotunity) khi nhóm dân số trẻ em (0-14 tuổi) chiếm tỷ trọng nhỏ hơn 30% và nhóm dân số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm tỷ trọng thấp hơn 15%.

Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 68,0% (giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2009), tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên chiếm lần lượt là 24,3% và 7,7%. Như vậy, Việt Nam đang trong thời kì “cơ cấu dân số vàng” khi mà cứ một người phụ thuộc thì có hai người trong độ tuổi lao động. Dự báo đến khoảng năm 2040, Việt Nam sẽ kết thúc thời kì “cơ cấu dân số vàng”.

Thời kì “Cơ cấu dân số vàng” mang lại cơ hội và thách thức cho sự phát triển đất nước.

 

2. Cơ hội

Nhiều quốc gia đã tận dụng được cơ hội này để bứt phá, phát triển nhanh nhưng cũng không ít quốc gia đã bỏ lỡ, chìm sâu trong “bẫy thu nhập trung bình”.

Cơ cấu “dân số vàng” tạo ra nhiều thuận lợi, thế mạnh cho Việt Nam với lực lượng lao động trẻ, dồi dào. Đây là lợi thế cho phát triển kinh tế của đất nước, tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài.

Tại Việt Nam, ngay từ khi công bố Việt Nam bắt đầu bước vào thời kì dân số vàng vào năm 2009, nhiều chính sách đã được ban hành và thực thi để tận dụng lợi thế của thời kì này giúp phát triển kinh tế. Đặc biệt là các chính sách về phát triển nguồn nhân lực và gia tăng đóng góp của lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh. Kết quả là, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, trung bình giai đoạn 2011 - 2018 là 6,21%/năm.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Một trong những lí do là nền kinh tế mặc dù đã tận dụng được nguồn lao động dồi dào nhưng lại chủ yếu dựa vào khai thác lao động giá rẻ và giản đơn; chất lượng công việc nằm trong chuỗi giá trị thấp, hơn một nửa số việc làm chỉ đòi hỏi kỹ năng trung bình, 33,2% là việc làm kỹ năng thấp, chỉ có 11,2% việc làm kỹ năng cao (trung bình các nước phát triển trên thế giới là 20%). Bên cạnh đó, đa số người lao động của Việt Nam đang tham gia vào các công việc phi chính thức có thu nhập thấp, ít có sự bảo vệ (54% lao động phi chính thức); trình độ chuyên môn của lao động còn hạn chế (chỉ khoảng một phần tư người đang làm việc được đào tạo từ sơ cấp nghề trở lên).

 

3. Thách thức

Mặc dù thời kì cơ cấu dân số vàng tạo ra nhiều thuận lợi, thế mạnh song cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cần phải giải quyết. Ngoài các vấn đề về nâng cao trình độ kỹ năng của người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, kết nối cung cầu thị trường lao động như đã đề cập ở trên thì việc giảm bớt áp lực về thiếu việc làm, trật tự, an ninh xã hội cần tiếp tục được quan tâm.

 

Nguồn: Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận