Đô thị hóa: động lực thúc đẩy giảm nghèo

Đô thị hóa: động lực thúc đẩy giảm nghèo

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng là một điểm nhấn quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam. Tác động giảm nghèo của quá trình đô thị hoá được thể hiện thông qua việc đô thị hoá đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, chuyển dịch nhanh hơn theo cơ cấu công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Quá trình dịch chuyển này đã tạo ra nhiều việc làm và thu nhập tại chính các đô thị, góp phần tăng thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người.

 

1. Đô thị hóa thúc đẩy giảm nghèo thông qua tạo thêm việc làm mới, gia tăng thu nhập cho người dân.

Đô thị hóa xuất hiện đặt ra nhu cầu cung cấp lao động cho các nhà máy, các ngành dịch vụ mới và tạo cơ hội lớn giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động nông thôn. Với sự phát triển của đô thị, nhiều loại hình dịch vụ cũng xuất hiện như nhu cầu về may mặc, sản phẩm nông sản phục vụ cho đời sống hàng ngày của công nhân,... Tất cả những yếu tố đó sẽ mở ra nhiều cơ hội tạo thêm việc làm cho người dân. Các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn có khả năng tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm 0,1%, từ 2,29% năm 2016 xuống còn 2,19% năm 2020.

Bảng 1. Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam giai đoạn 2016-2020

Đơn vị tính: nghìn người

Năm

2016

2017

2018

2019

2020

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên

54.482,8

54.819,6

55.388,0

55.767,4

54.843,6

Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi (%)

2,29

2,22

2,19

2,17

2,19

Nguồn: Tổng hợp từ Tổng cục Thống kê[1]

Năm 2020, Việt Nam có hơn 20,3 triệu lao động đang làm các công việc phi chính thức, chiếm tới 56,2% tổng số việc làm phi nông nghiệp trên cả nước[2]. Mặc dù phải làm việc nhiều giờ hơn trong điều kiện không phải lúc nào cũng lý tưởng nhưng thu nhập từ các hoạt động tự kinh doanh thường cao hơn so với thu nhập hàng ngày của công nhân làm việc trong khu vực chính thức (như chạy xe công nghệ, giao hàng đồ ăn nhanh….). Đô thị hóa tác động tích cực tới thu nhập của người dân, góp phần đẩy mạnh các hoạt động cung cấp dịch vụ, buôn bán trong địa bàn, giúp hình thành và phát triển các hoạt động phi nông nghiệp mới. Xét trên các yếu tố là nguồn lực đảm bảo sinh kế của người dân, bức tranh chung cho thấy đô thị hóa đã có tác động tích cực nhiều hơn tiêu cực đối với thu nhập của người dân. Theo Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam năm 2019 là 96,48 triệu người. Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2019 là 54,7 triệu người, trong đó lực lượng lao động đang làm việc nông, lâm, ngư nghiệp khoảng 19 triệu người (chiếm 34,7% tổng số lao động); công nghiệp, xây dựng khoảng 16,1 triệu người (chiếm 29,4%); khoa học và dịch vụ khoảng 19,6 triệu người (chiếm 35,9%). Trong tương lai, nước ta sẽ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, tất yếu mở rộng quy mô, phạm vi của khoa học, dịch vụ; đồng thời, khu vực nông thôn cần được công nghiệp hóa với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Về cơ bản, chuyển đổi nghề nghiệp của người dân đúng hướng, từ khu vực có năng suất thấp (nông nghiệp) sang khu vực có năng suất cao hơn (phi nông) dẫn tới thu nhập từ nguồn thu phi nông nghiệp cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Quá trình đô thị hóa thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng cũng trở nên phát triển hơn. Cơ sở hạ tầng hiện đại, có sức hút đầu tư mạnh trong nước và ngoài nước. GDP khu vực đô thị đạt được và đóng góp trong tổng GDP quốc gia ngày càng cao, do đó việc đầu tư cơ sở hạ tầng từ cấp quốc gia đến vùng và đô thị, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực cửa khẩu, hải cảng lớn là nhiệm vụ được ưu tiên. Ðầu tư khu vực đô thị, nhất là các dự án xây dựng khu công nghiệp, đô thị mới, cơ sở hạ tầng đô thị thường có những tác động tích cực đến quá trình đô thị hóa. Nhờ vậy, dù trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực, nước ta vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm, năm 2020 đạt 6.293,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 271 tỷ USD), gấp 1,4 lần GDP năm 2016[3]. Nếu cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng xã hội (nhà trẻ, nhà mẫu giáo, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế) đáp ứng yêu cầu phục vụ của cộng đồng dân cư sống trong các khu đô thị sẽ có tác động tích cực thúc đẩy giảm nghèo đa chiều và bền vững.

 

2. Đô thị hóa thúc đẩy giảm nghèo nhờ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, từ đó gia tăng thu nhập cho người dân, cải thiện tình trạng đói nghèo

Các đô thị có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng trong nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp. Khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước[4]. Hình dưới cho thấy, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng.

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam

 Nguồn: Tổng hợp từ Tổng cục Thống kê

Bên cạnh tăng trưởng tỷ lệ đô thị hóa, các tiêu chí về tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP từ các khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch (khu vực phi nông nghiệp) chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng GDP quốc gia. Các tiêu chí này cùng với tỷ lệ đô thị hóa cao sẽ đem lại hiệu quả phát triển tổng hợp trong quá trình đô thị hóa theo hướng tích cực. Các nước có tỷ lệ đô thị hóa cao đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng khu vực đô thị và cả nước cao. Việt Nam hiện nay mới đạt khoảng 40% vào cuối năm 20206.

 

3. Đô thị hóa gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng kéo theo các luồng di chuyển lao động, biến động về cơ cấu lao động phát triển mạnh mẽ hơn. Chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp là tất yếu, thể hiện rõ nét nhất trong việc lao động nông thôn chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Hình 2: Cơ cấu lao động đang làm việc theo 3 nhóm ngành kinh tế, giai đoạn 2017-2020

Nguồn: Tổng cục thống kê 2020

Năm 2020, lao động trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 33,1% giảm 7,1 % so với năm 2017. Ngược lại, khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 5% so với năm 2017, khu vực Dịch vụ tăng 2% so với năm 2017. So với năm 2019 đã có sự chuyển dịch của lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ, đưa tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp và xây dựng lên 30,8%, cao nhất kể từ năm 2017 đến nay và khu vực dịch vụ lên 36,1%. Đô thị hoá thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn sang làm các công việc phi nông nghiệp với các hoạt động rất đa dạng tại các vùng trung tâm, thị trấn, thị tứ, các vùng nông thôn ven các thành phố, thị xã hình thành thị trường lao động khá sôi động. Tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với quá trình đô thị hóa thể hiện rõ nét qua tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp và xây dựng ngày càng lớn chính điều này đã tạo ra một hiệu ứng tích cực thúc đẩy đô thị hóa nhanh lan toả diện rộng trên phạm vi cả nước.

 

4. Đô thị hóa góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, lối sống của dân cư ở nông thôn nhích gần lối sống thành thị về nhiều mặt.

Đô thị hóa cung cấp cho người nghèo có cơ hội hơn và tiếp cận nhiều hơn tới các nguồn lực để biến đổi tình hình của họ hơn so với các vùng nông thôn. Ngoài tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đô thị hóa giúp nâng cao chỉ số phát triển con người, góp phần giúp cuộc sống của người dân hiện đại, tiện nghị hơn, chất lượng cuộc sống được nâng cao. Cơ hội tìm kiếm việc làm và các điều kiện văn hóa - xã hội như giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin liên lạc, điều kiện làm việc và nghỉ ngơi đã kích thích việc di dân từ nông thôn ra thành thị. Di dân cũng mang lại cơ hội để tăng cường sự năng động của lực lượng lao động. Kinh tế không còn là mục tiêu trên hết của cuộc sống, nhu cầu văn hóa, giáo dục của người dân đô thị ngày càng tăng, các đô thị là nơi tập trung hoạt động vui chơi, giải trí và học tập, giúp người dân tăng cơ hội tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội,…. Môi trường xã hội, văn hóa tốt và môi trường thiên nhiên trong lành đã trở thành nhu cầu thiết yếu của dân cư. 

Ngoài ra, sự tăng trưởng của đô thị tạo ra hàng loạt ảnh hưởng tích cực đến môi trường và con người. Đô thị hóa góp phần cải thiện môi trường sống của dân cư đô thị. Hơn nữa, sự tập trung cao của dân số ở khu vực đô thị cũng có ưu điểm nữa là giảm khoảng cách đi lại, từ đó khuyến khích phát triển giao thông thân thiện môi trường như giao thông công cộng hiện đại, đi bộ hay đi xe đạp. Sự cải thiện về giao thông đi lại, sự sẵn có của điện thoại di động, truyền thông được cải thiện và mối liên hệ với những thế hệ di cư trước đang ở thành phố giúp dân chúng nông thôn hiểu rõ cả ưu và nhược điểm của đô thị, đặc biệt về các cơ hội việc làm và điều kiện nhà ở.

 

5. Đô thị hóa khiến luồng lao động di cư từ nông thôn ra thành thị tăng lên, dòng tiền gửi từ các lao động di cư về gia đình đã trở thành một trong những động lực quan trọng hỗ trợ giảm nghèo tại các vùng nông thôn

Một trong những kênh tác động, thúc đẩy giảm nghèo của quá trình đô thị hoá chính là bản thân quá trình này đã kéo theo luồng di cư lao động khổng lồ từ nông thôn ra thành thị. Sự phát triển nhanh chóng của các khu vực đô thị, với kinh tế tăng trưởng nhanh, công nghiệp phát triển đã tạo ra nhiều việc làm mới với thu nhập cao, đây chính là lực hút đối với một lượng lớn lao động từ nông thôn, từ đó tạo ra dòng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị. Những người lao di cư ra các vùng đô thị không chỉ nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm, gia nhập vào thị trường lao động, mà còn là để tìm kiếm các cơ hội việc làm có thu nhập cao hơn. Mỗi một giai đoạn phát triển, đô thị hóa lại có những đặc điểm mới, vừa mang tính quy luật chung vừa mang đặc thù riêng của mỗi quốc gia, khu vực. Nhìn tổng quan có thể thấy, hệ thống đô thị ở nước ta trong thời gian vừa qua đã có bước phát triển nhanh đáng ghi nhận. Số đô thị đã tăng từ 722 đô thị vào năm 2010 lên 853 đô thị vào năm 2020 (tính đến hết tháng 6/2020[5]). Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt 45-50% với khoảng 1.000 đô thị, dân số đô thị khoảng 52 triệu người. Hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng đô thị nhanh nhất, sau đó đến Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ[6]. Các thành phố đã trở thành trụ cột phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế của khu vực đô thị cao gấp hai lần mức bình quân của cả nước, đóng góp trên một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thế Bá, Trần Trọng Hanh, Lê Trọng Bình, Nguyễn Tố Lăng. (2008). Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, NXB Xây dựng Hà Nội.
  2. Tạp chí Tài chính. (2020). Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021
  3. Tổng cục Thống kê. (2020)
  4. Tổng cục Thống kê. (2020). Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm năm 2020
  5. https://tranducphu.com/toc-do-do-thi-hoa-o-viet-nam/
  6. https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Ca-nuoc-co-862-do-thi-dong-gop-70-GDP/418044.vgp

 

[1] Số liệu của Tổng cục Thống kê cập nhật ngày 30/7/2020

[2] Tổng cục Thống kê (2020). Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm năm 2020.

[3] Tổng cục Thống kê. (2020); Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (2021). Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2021.

[4] https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Ca-nuoc-co-862-do-thi-dong-gop-70-GDP/418044.vgp

[5] https://moc.gov.vn/tl/tin-tuc/66305/hoan-thien-chinh-sach-dau-tu-phat-trien-do-thi.aspx

[6] https://tranducphu.com/toc-do-do-thi-hoa-o-viet-nam/

 

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Ban Các vấn đề Xã hội và Môi trường.

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận