Sự khác nhau về đặc điểm địa hình của miền tự nhiên Tây Bắc và Bắc Trung Bộ với miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ
- Người viết: AT SCHOOL lúc
- Địa lí
- - 0 Bình luận
Theo miền địa lí tự nhiên, nước ta được phân chia thành 3 miền: Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ; Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ; Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
1. Hướng nghiêng chung của địa hình
- Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có hướng nghiêng chung là tây bắc - đông nam là chủ yếu.
- Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ có hướng nghiêng khá phức tạp:
· Đối với bộ phận núi và cao nguyên ở phía bắc: cao ở phần trung tâm, nhất là ở phía bắc (vùng núi Kon Tum – khối núi cổ Kon Tum) và phía nam (vùng cao nguyên Lâm Viên – khối núi cực Nam Trung Bộ) và thấp dần ra xung quanh.
· Đối với bộ phận ở phía nam có hướng nghiêng là đông bắc - tây nam.
2. Đối với bộ phận đồi núi
- Về độ cao:
· Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ nhìn chung cao hơn so với miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Cụ thể: Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ là nơi tập trung nhiều đỉnh núi có độ cao lớn nhất nước ta với nhiều đỉnh núi có độ cao trên 3.000m (như Phan-xi-pang, Phu Si Lung) trong khi đỉnh núi cao nhất của miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ (đỉnh Ngọc Linh) chỉ cao 2598m.
· Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có vùng núi Tây Bắc và Trường Sơn Bắc, thuộc địa máng Đông Dương nên hoạt động kiến tạo của miền này thể hiện đặc tính của miền địa máng với biên độ nâng sụt mạnh, các hoạt động uốn nếp, mắc ma diễn ra mạnh; đặc biệt trong giai đoạn Tân kiến tạo chịu ảnh hưởng của vận động tạo núi Anpơ – Himalaya, các khối núi cổ được nâng lên mạnh làm có miền này có địa hình núi cao nhất cả nước với đủ 3 đai cao.
- Độ dốc và độ cắt xẻ địa hình: miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ cao hơn so với miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có địa hình núi cao hơn, độ dốc lớn hơn và độ cắt xẻ cao hơn là do trong quá trình vận động địa chất của vỏ Trái Đất, miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ là một bộ phận của địa máng Đông Dương nên chịu tác động mạnh của hoạt động nâng lên. Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của khối nền cổ Kon Tum, ổn định hơn.
- Hướng núi:
· Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ các dãy núi chủ yếu chạy theo hướng tây bắc - đông nam như Hoàng Liên Sơn, Tam Điệp, Trường Sơn Bắc. Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ là hướng vòng cung.
· Do trong quá trình hình thành lãnh thổ, miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ chịu sự quy định hướng của các khối nền cổ Phan-xi-păng (hay Hoàng Liên Sơn), Sông Mã, Pu Hoạt... có hướng tây bắc - đông nam nên các dãy núi có hướng như vậy. Trong khi đó ở miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của khối nền cổ Kon Tum có dạng khối tròn nên hướng núi có dạng vòng cung.
3. Đối với bộ phận đồng bằng
- Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ dải đồng bằng nhỏ hẹp và có xu hướng hẹp dần khi đi vào nam (như các đồng bằng: Thanh - Nghệ Tĩnh, Bình - Trị - Thiên) do các dãy núi ăn lan ra sát biển, thềm lục địa hẹp, ít phù sa sông. Ở miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ, ngoài dải đồng bằng hẹp ven biển còn có đồng bằng Nam Bộ với diện tích lớn nhất trong số các đồng bằng ở nước ta, đồng bằng tương đối bằng phẳng, thềm lục địa rộng, nông.
- Đồng bằng Nam Bộ có tốc độ lấn biển lớn hơn so với các đồng bằng ven biển ở miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Đồng bằng Nam Bộ hàng năm lấn biển khoảng 60 - 80m (ở Cà Mau) còn đồng bằng ở miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có tốc độ tiến ra biển rất chậm do thềm lục địa hẹp, ít phù sa sông.
(*) Bài viết có tham khảo đề thi, đáp án kì thi HSG trường THPT chuyên Lê Thánh Tông – Hội An (Quảng Nam) năm học 2019 – 2020.