Tàu nước ngoài được làm gì trong vùng đặc quyền kinh tế quốc gia khác?
- Người viết: AT SCHOOL lúc
- Địa lí
- - 0 Bình luận
Theo UNCLOS, 5 vùng biển bao gồm: nội thủy (nằm phía trong đường cơ sở); lãnh hải (rộng tối đa 12 hải lý, 1 hải lý = 1.852m, tính từ đường cơ sở); vùng tiếp giáp lãnh hải (tiếp liền phía ngoài lãnh hải, hợp với lãnh hải thành một vùng rộng 24 hải lý); vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở), riêng thềm lục địa có thể kéo dài ra tới 350 hải lý.
Đường cơ sở
Đường cơ sở là đường ranh giới phía trong của lãnh hải và phía ngoài của nội thủy, do quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo định ra phù hợp với UNCLOS để làm cơ sở xác định phạm vi của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Đường cơ sở được dùng làm căn cứ để tính chiều rộng lãnh hải và các vùng biển khác.
Có 2 loại đường cơ sở là đường cơ sở thông thường (sử dụng ngấn nước thủy triều thấp nhất ven bờ biển hoặc hải đảo) và đường cơ sở thẳng (đường nối các điểm hoặc đảo nhô ra nhất của bờ biển lục địa hoặc đảo). Đường cơ sở thẳng được áp dụng khi bờ biển quốc gia ven biển bị chia cắt hoặc có chuỗi đảo gắn liền và chạy dọc theo bờ biển.
Chủ quyền đối với nội thủy, lãnh hải
Theo UNCLOS, các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải của mình, chủ quyền này cũng được mở rộng vùng trời ở bên trên đến vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở bên dưới các vùng biển đó. Điều 8, khoản 1 của UNCLOS định nghĩa nội thủy là “các vùng nước ở phía bên trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải”. Trong vùng nội thủy, các quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền của mình. Tàu thuyền nước ngoài muốn ra vào vùng nội thủy phải xin phép quốc gia ven biển và phải tuân theo luật lệ của quốc gia đó.
Lãnh hải hay còn gọi là “vùng nước lãnh thổ” là một dải biển ven bờ nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ đất liền hoặc nội thủy của quốc gia ven biển, có chiều rộng nhất định được tính từ đường cơ sở của quốc gia đó và thuộc chủ quyền hoàn toàn của quốc gia ven biển. Chủ quyền này được mở rộng và áp dụng đối với cả vùng trời trên lãnh hải, cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy của lãnh hải.
Tuy nhiên, do yêu cầu, tính chất truyền thống của hàng hải quốc tế, luật pháp quốc tế trù định quyền của mọi loại tàu, thuyền của tất cả các quốc gia được đi qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển với điều kiện không gây ảnh hưởng đến hòa bình, trật tự, an ninh và môi trường của quốc gia ven biển.
Quyền đi qua không gây hại không được áp dụng đối với vùng trời trên lãnh hải. Phương tiện bay nước ngoài muốn bay qua vùng trời trên lãnh hải của một nước ven biển phải xin phép nước ven biển đó.
“Đi qua không gây hại” là không gây ra các hành động gây hại, đe doạ hòa bình, an ninh trật tự của quốc gia ven biển. Các loại tàu thuyền nước ngoài (kể cả tàu quân sự) được quyền đi qua vô hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển mà không cần phải xin phép, không bị cản trở, không bị thu lệ phí và không bị phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, UNCLOS quy định: “Ở trong lãnh hải, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác buộc phải đi nổi và treo cờ quốc tịch” (điều 21) và “nếu một tàu chiến không tôn trọng các luật và quy định của quốc gia ven biển có liên quan đến việc đi qua trong lãnh hải và bất chấp yêu cầu phải tuân thủ các luật và quy định đó đã được thông báo cho họ, thì quốc gia ven biển có thể đòi chiếc tàu đó rời khỏi lãnh hải ngay lập tức” (điều 30).
Quốc gia ven biển được phép đề ra các luật và quy định liên quan việc đi qua không gây hại (điều 21, 22) và có thể thi hành các biện pháp cần thiết để ngăn cản mọi việc đi qua có gây hại (điều 25).
Đối với quốc gia quần đảo, lãnh hải nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ và vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo đó. Phần lớn quốc gia trên thế giới quy định chiều rộng lãnh hải từ 3-12 hải lý. UNCLOS quy định chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển không quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng công ước.
Vùng tiếp giáp lãnh hải
Theo UNCLOS, vùng tiếp giáp lãnh hải không được mở rộng quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở, tại đó, quốc gia ven biển thực hiện các thẩm quyền có tính riêng biệt và hạn chế đối với tàu thuyền nước ngoài. Vùng tiếp giáp lãnh hải nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và là một bộ phận đặc thù của vùng đặc quyền kinh tế.
Quốc gia ven biển có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa việc vi phạm các luật và quy định về hải quan, thuế khóa, nhập cư hay y tế trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình; trừng trị việc vi phạm các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.
Tại Điều 303, UNCLOS mở rộng thẩm quyền của quốc gia ven biển đối với các hiện vật có tính lịch sử và khảo cổ nằm trên đáy biển của vùng tiếp giáp lãnh hải. Để kiểm soát việc mua bán các hiện vật này, quốc gia ven biển có thể coi việc lấy các hiện vật đó từ đáy biển của vùng tiếp giáp lãnh hải mà không có sự thoả thuận của mình là sự vi phạm các luật và quy định của quốc gia ven biển ở trên lãnh thổ hay lãnh hải của mình.
Vùng đặc quyền kinh tế
Vùng đặc quyền kinh tế (có chiều rộng không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở, viết tắt theo tiếng Anh là EEZ) là một chế định pháp lý mới, lần đầu tiên được ghi nhận trong UNCLOS năm 1982. Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng đặc biệt, trong đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế, được quy định bởi UNCLOS, mà không chia sẻ với các quốc gia khác.
Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có:
-Các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc phi sinh vật của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.
-Quyền tài phán về việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; các quyền và nghĩa vụ khác do UNCLOS quy định.
Tuy vậy, trong vùng đặc quyền kinh tế, tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, đều được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt cáp và ống dẫn ngầm cũng như quyền tự do sử dụng biển vào các mục đích hợp pháp khác và gắn liền với việc thực hiện các quyền tự do nói trên và phù hợp với các quy định của Công ước.
Quốc gia ven biển có nghĩa vụ thi hành các biện pháp thích hợp để bảo tồn, quản lý và duy trì các nguồn lợi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế tránh không bị ảnh hưởng do khai thác quá mức. UNCLOS còn quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển và các quốc gia khác nhằm bảo tồn các loài sinh vật biển như: các loài cá di cư xa, các loài có vú, các đàn cá vào sông và ra biển sinh sản, các loài định cư...
Thềm lục địa
Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến giới hạn nằm cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn 200 hải lý.
Trong trường hợp bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở, quốc gia ven biển có thể mở rộng ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý.
Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình. Đây là những đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển này không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa (bao gồm các tài nguyên phi sinh vật và các tài nguyên sinh vật thuộc loài định cư), thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thoả thuận rõ ràng của các quốc gia ven biển.
Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa tồn tại một cách nghiễm nhiên, không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thật sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào. Tuy nhiên, khi khai thác thềm lục địa ngoài 200 hải lý, quốc gia ven biển có nghĩa vụ đóng góp tài chính theo quy định của UNCLOS.
Việc quốc gia ven biển thực hiện các quyền của mình đối với thềm lục địa không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền tự do của các quốc gia khác đã được Công ước thừa nhận. Tất cả các quốc gia đều có quyền lắp đặt cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa. Quốc gia đặt cáp hoặc ống dẫn ngầm phải thoả thuận với quốc gia ven biển về tuyến đường đi của cáp hoặc ống dẫn ngầm.
Thái An (Theo Báo Tiền Phong)