Xu hướng đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và một số hệ lụy

Xu hướng đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và một số hệ lụy

1. Tình hình đô thị hóa ở Việt Nam thời gian qua

Đô thị hóa là một quá trình tất yếu ở mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa ở mỗi nước cũng diễn ra theo xu hướng nhanh, chậm khác nhau bởi nó phụ thuộc vào điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở quốc gia đó. Tại Việt Nam, thời gian qua, quá trình đô thị hóa đã diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị lớn, tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa nhanh lan toả diện rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước. Nhiều đô thị mới, khu đô thị mới được hình thành phát triển; nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở,… Điều này cho thấy, các đô thị Việt Nam đã và đang rất được chú trọng phát triển để nâng tầm cao với kiến trúc hiện đại.

Nhìn một cách bao quát, có thể thấy, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 19,6% với 629 đô thị năm 2009 lên khoảng 36,6% với 802 đô thị năm 2016. Tính đến hết năm 2018, Việt Nam đã có 819 đô thị (tăng 6 đô thị so với năm 2017); tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 38,4% (tăng 0,9% so với năm 2017). Tăng trưởng đô thị nhanh nhất ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là Hải Phòng, Đà Nẵng, và Cần Thơ. Tính đến tháng 4/2019, số đô thị của cả nước đã tăng lên con số 830, bao gồm 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 19 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 80 đô thị loại IV và 655 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đến cuối năm 2019 đạt khoảng 40%.

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Năm 2019, ước tính dân số khu vực thành thị ở nước ta là 33.059.735 người, chiếm 34,4% dân số của cả nước. Tính từ năm 2009 cho đến nay, tỉ trọng dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm. Mật độ dân số Việt Nam cũng tăng cao với 290 người/km(năm 2019). Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2 (1).

 

2. Dự báo xu hướng đô thị hóa ở Việt Nam đến năm 2030

Xu hướng đô thị hóa ở Việt Nam đang và sẽ tiếp tục được mở rộng sang các thành phố nhỏ và vừa. Dự báo các thành phố với 0,75-5 triệu dân sẽ phát triển nhanh hơn và góp một phần đáng kể vào GDP của cả nước trong thập kỷ tới. (2)

Trong giai đoạn 2021-2030, dự báo dân số khu vực thành thị tiếp tục tăng, đạt 42,04 triệu người năm 2025 và 47,25 triệu người năm 2030. Tỷ lệ đô thị hóa tăng dần và đạt 40,91% vào năm 2025 và 44,45% năm 2030. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa có xu hướng giảm dần, đạt 2,25% giai đoạn 2021-2025 và 2,5% giai đoạn 2021-2030 (3). Bên cạnh đó, dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 1 đô thị trên 10 triệu dân, 1 đô thị từ 5-10 triệu dân, và 4 đô thị từ 1-5 triệu dân.

Hình: Tỷ lệ và tốc độ đô thị hóa hàng năm giai đoạn 2021-2030 (%)

 

3. Những hệ lụy của quá trình đô thị hóa

Tốc độ đô thị hóa nhanh đã và đang tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta như góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển loại hình du lịch đô thị, cải thiện tình trạng đói nghèo,… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực này thì quá trình độ thị hóa có thể tạo ra những thách thức, hệ lụy lớn cho phát triển bền vững nếu không có quy hoạch khoa học cũng như tầm nhìn xa và rộng.

Trước tiên đó là ảnh hưởng đáng kể đến môi trường. Việc đô thị hóa diễn ra với quy mô ngày càng nhanh chóng đã làm gia tăng ô nhiễm, nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện và nước thải công nghiệp không được xử lý, hệ thống thoát nước không được tốt. Thêm vào đó, ô nhiễm không khí cũng ngày càng tồi tệ gây hại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường. Nguyên nhân xuất phát được cho là từ chính sự bùng nổ các hoạt động xây dựng, phá dỡ các công trình; khí xả thải từ các phương tiện giao thông cơ giới; việc đốt rơm, rạ của người dân; khói bụi từ các khu vực sản xuất vùng lân cận,… Hiện Việt Nam đang đứng trong top 10 nước ô nhiễm không khí ở châu Á (4). Đáng chú ý, vào một số thời điểm trong tháng 9/2019 vừa qua, tổng lượng bụi ở 2 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động. Bên cạnh đó, đô thị Việt Nam còn đang phải đối mặt với các vấn đề biến đổi khí hậu. Bão, lũ lụt và nước biển dâng đang tác động đến phát triển hệ thống đô thị ven biển và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 138 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh có nguy cơ ngập nặng đến rất nặng. Biến đổi khí hậu gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tác động đến phát triển hệ thống đô thị miền núi và Tây Nguyên với 143 đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng, trong đó có 17 đô thị có khả năng chịu ảnh hưởng rất mạnh (5).

Đô thị hóa nhanh với sức ép gia tăng dân số còn kéo theo cơ sở hạ tầng bị quá tải. Các điều kiện về kết cấu hạ tầng như nhà ở, trường học, bệnh viện, điện, nước, đường phố,… không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân sống tại đô thị. Hệ thống trường lớp, đặc biệt là ở các quận mới, khu đô thị mới, chịu những áp lực rất lớn do số học sinh tăng cao, đặc biệt các lớp đầu cấp. Những quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều chung cư cao tầng mọc lên trở thành những “điểm nóng” quá tải về trường lớp. Tình trạng này sẽ còn trầm trọng hơn khi xu hướng người di cư đến các đô thị tiếp tục tăng trong khi nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng khó khăn, quỹ đất đai ngày càng bị thu hẹp…

Ngoài ra, vấn đề sử dụng đất (phần lớn là đất nông nghiệp) khi thực hiện đô thị hóa hiện đang là mặt trái của quá trình này. Một bộ phận không nhỏ nông dân ngoại thành bị mất đất canh tác phải chuyển đổi nghề nghiệp. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam đã mất 73.000 ha đất canh tác hàng năm do đô thị hóa, ảnh hưởng đến cuộc sống của 2,5 triệu nông dân; diện tích trồng lúa giảm 6% chủ yếu là do công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng. Diện tích đất được giao để sản xuất lúa gạo dự kiến giảm gần 10% vào năm 2030. Trong khi đó, để thu hút đầu tư, các địa phương ồ ạt mở khu công nghiệp mà phần lớn là lấy đất nông nghiệp. Đất mới chuyển đổi này lại bị sử dụng lãng phí do thiếu quy hoạch đồng bộ, tỷ lệ lấp đầy nhiều khu công nghiệp rất thấp, gây lãng phí lớn.

 

Chú thích

  1. Tổng cục Thống kê, Báo cáo sơ bộ Tổng điều tra Dân số và nhà ở 2019.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo quốc giaKết quả 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam, tháng 9/2015.
  3. Dự báo của nhóm nghiên cứu theo số liệu của UN.
  4. https://nhipcaudautu.vn/song/viet-nam-hien-dang-dung-trong-top-10-cac-nuoc-o-nhiem-khong-khi-o-chau-a-3330585/
  5. ttps://www.nhandan.com.vn/cuoituan/item/38426802-%C3%B0o-thi-truoc-thach-thuc-ung-pho-thien-tai.html

 

Tài liệu tham khảo

1. Tổng cục Thống kê, Báo cáo sơ bộ Tổng điều tra Dân số và nhà ở 2019.

2. United Nations (UN), Department of Economic and Social Affairs, Population Division, 2018, “World Urbanization Prospects: The 2018 Revision”.

3. Trang Lê, 2019, “Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở châu Á”https://nhipcaudautu.vn/song/viet-nam-hien-dang-dung-trong-top-10-cac-nuoc-o-nhiem-khong-khi-o-chau-a-3330585/

4. Nguyễn Hồng Tiến, 2018, “Đô thị trước thách thức ứng phó thiên tai”, https://www.nhandan.com.vn/cuoituan/item/38426802-%C3%B0o-thi-truoc-thach-thuc-ung-pho-thien-tai.html

 

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Ban Các vấn đề Xã hội và Môi trường

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận