Mẹo khoanh trắc nghiệm môn Lịch sử để đạt điểm cao

Mẹo khoanh trắc nghiệm môn Lịch sử để đạt điểm cao

Đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử gồm 40 câu trắc nghiệm và thời gian làm bài trong 50 phút. Tất cả câu hỏi sẽ dàn trải tất cả kiến thức trong sách giáo khoa, bao gồm lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam.

 

Để giúp các em đạt điểm cao môn Lịch sử, Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương (Giảng viên chính của Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Giáo viên bộ môn Lịch sử của AT School) sẽ chia sẻ những mẹo khoanh trắc nghiệm giúp em tự tin lựa chọn được phương án đúng.

 

Dễ làm trước, khó làm sau

 

Học sinh cần đọc hết các câu hỏi và đáp án trong đề, phân tích và xử lí nhanh yêu cầu. Câu nào ở mức độ Nhận biết, Thông hiểu làm trước; câu Vận dụng, Vận dụng cao làm sau. Việc làm câu dễ trước giúp em tiết kiệm thời gian, giải toả được tâm lí, tăng sự tự tin, dành nhiều thời gian cho những câu hỏi khó.

Mỗi câu hỏi chỏ có hơn một phút, học sinh nên phân bố thời gian hợp lí. Không dành quá nhiều thời gian cho một câu mà ảnh hưởng đến quỹ thời gian chung.

Không chỉ riêng môn Lịch sử, với các môn Khoa học xã hội nói chung, học sinh nên chú trọng làm những câu lí thuyết trước, sau đó là câu liên hệ thực tế và cuối cùng là câu suy luận.

 

Khoanh mốc thời gian trong câu hỏi và các đáp án

 

Đọc kĩ từng câu hỏi để tìm ra từ khoá liên quan đến mốc thời gian. Có hai dạng mốc thời gian: bằng số (ví dụ như 1930, 1945,…) và bằng chữ (ví dụ như “sau Chiến tranh thế giới thứ hai”, “sau Cách mạng Tháng Tám”,…). Cứ nhìn thấy mốc thời gian, em khoanh vòng tròn lại để khu biệt kiến thức và tìm dữ kiện, tránh nhầm lẫn với các sự kiện khác.

Lưu ý: Song song với việc khoanh mốc thời gian trên câu hỏi/phần dẫn, ở phần đáp án chúng ta nên viết mốc thời gian sang bên cạnh (nếu nhớ được những mốc thời gian cụ thể của các sự kiện) để thao tác loại trừ phương án sai.

Thao tác khoanh mốc thời gian này được gọi tắt là KK. K1 là khoanh mốc thời gian bằng số; K2 là khoanh mốc thời gian bằng chữ.

 

Gạch chân từ khoá đúng – Gạch chéo từ khoá sai

 

Từ khoá đúng là những từ, cụm từ xuất hiện ngay trên câu hỏi/phần dẫn và ở những câu trả lời đúng. Với những từ khoá đúng, chúng ta sẽ gạch chân (G1). Trên thực tế, tìm đủ và đúng từ khoá đúng sẽ ra đáp án đúng.

Cách tìm từ khoá đúng như sau: Học sinh sẽ phải đọc kỹ câu hỏi để nhận diện được những yêu cầu từ câu lệnh, tập trung chủ yếu vào từ để hỏi, đối tượng được hỏi và nội dung hỏi.

Đối với những câu hỏi ở mức độ dễ, giản đơn, học sinh chỉ cần thao tác gạch chân từ khoá đúng (kết hợp khoanh mốc thời gian KK) là có thể ra được đáp án. Ở những câu hỏi khó và phức tạp hơn, chúng ta sẽ kết hợp cả các thao tác khoanh mốc thời gian, gạch từ khoá đúng và từ khoá sai.

 

Từ khoá sai là những từ và cụm từ trong phương án nhiễu không phù hợp, không đúng với dữ kiện đưa ra trong câu hỏi/phần dẫn. Với những từ khoá sai, chúng ta sẽ gạch chéo hoặc gạch ngang (G2). Đây thực chất là phương pháp loại trừ vẫn hay sử dụng khi làm bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử.

Cách tìm từ khoá sai như sau: Từ khoá sai luôn xuất hiện trên các phương án gây nhiễu, có thể chỉ là một từ hoặc một cụm từ hoặc cả câu phương án đó (đó có thể là đặc điểm của một sự kiện, hiện tượng lịch sử khác). Khi chúng ta gạch chéo những từ khoá sai đó sẽ nhìn thấy được đáp án đúng trên cơ sở kiến thức về sự kiện, hiện tượng lịch sử mình đã có.

Lưu ý: Trong quá trình tìm từ khoá, chúng ta nên nháp lại (ghi lại) những nội dung kiến thức liên quan sang bên phải của các đáp án trả lời. Thao tác này có thể thực hiện trực tiếp trên đề thi hoặc trên giấy nháp.

Tóm lại, thao tác gạch từ khoá này được gọi tắt là GG. G1 là gạch chân từ khoá đúng, G2 là gạch chéo hoặc gạch ngang từ khoá sai.

 

Hướng dẫn áp dụng KKGG khi làm câu hỏi trắc nghiệm môn Lịch sử (trích sách KKGG - Kỹ thuật phân tích câu hỏi trắc nghiệm môn Lịch sử)

 

Phương pháp khoanh mốc thời gian, gạch từ khoá đúng và từ khoá sai trong quá trình phân tích đề thi được gọi là KKGG (Khoanh khoanh gạch gạch). Kĩ thuật này khi đi vào thực tế giảng dạy trong những năm học gần đây đã giúp rất nhiều học sinh biết cách phân tích đề thi và tự tin khẳng định đáp án đúng. Nhiều học sinh đạt điểm 9, điểm 10 nhờ kĩ thuật KKGG.

 

Không bỏ sót bất cứ câu nào

 

Một trong những lợi thế lớn nhất của thi trắc nghiệm đó chính là "random" câu trả lời. Trong một số trường hợp bí câu trả lời, hoặc gặp những câu hỏi hóc búa mà thời gian lại sắp hết, không thể hỏi ai thì chỉ còn một cách duy nhất là tin vào may mắn.

Thêm nữa, việc bỏ trống câu trả lời chỉ vì không biết rất đáng tiếc vì biết đâu phương pháp KKGG lại đúng thì sao. Nếu không có câu trả lời chính xác, em có thể chọn đáp án ít xuất hiện ở những câu trên nhất, chọn đáp án bạn tin tưởng nhất, hoặc chọn đáp án dài nhất,...tùy trường hợp. Một điều nữa đó chính là khi chọn sai em cũng không bị mất điểm hoặc mất rất ít điểm. Tuy nhiên, rất hạn chế đánh bừa thôi nhé!

 

Nắm vững kiến thức cơ bản và nâng cao

 

Nếu em không nắm vững kiến thức cơ bản và nâng cao, em sẽ không thể phân tích được đề, nhận định được đâu là từ khoá đúng, từ khoá sai. Kiến thức chủ yếu nằm trong sách giáo khoa nhưng chỉ dừng ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Từ câu 30 trở đi trong đề thi THPT là những câu hỏi vận dung, vận dụng cao, có những thuật ngữ hoặc kiến thức nâng cao không có trong sách giáo khoa. Vì vậy, em nên kết hợp việc học kiến thức nền tảng và chuyên sâu, cùng với thành thạo kĩ thuật KKGG để chinh phục điểm cao môn Lịch sử.

 

Trên đây là toàn bộ bí kíp, kinh nghiệm làm bài trắc nghiệm Sử thi THPT 2022. Học sinh hãy bình tĩnh và chọn cho mình các đáp án đúng nhất. Chỉ cần nắm vững tất cả những lưu ý trên chắc chắn rằng các bài thi trắc nghiệm sẽ không thể làm khó bạn với những điểm 9, 10.

 

 

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận

Brandi 19/03/2024

WOW just what I was looking for. Came here by searching for holiday

Also visit my blog; Casinoslotprinciples.Blogspot.com