Chất bi tráng làm nên sắc diện của bài thơ, có mặt trong tác phẩm nhưng nổi rõ và in đậm nhất ở khổ thơ thứ 3 khi Quang Dung miêu tả chân dung người lính. Giữa thiên nhiên khắc nghiệt, hình ảnh người lính hiện lên thật bi tráng. Quang Dũng đã dùng những hình ảnh rất hiện thực để thể hiện cái phi thường của người lính: “Tây Tiến đoàn binh … oai hùm”.
Hai câu thơ đầu gợi lên vẻ đẹp bi tráng. Đầu tiên đó là cái bi thương gợi lên từ ngoại hình của người lính ốm yếu, tiều tụy, đầu trọc, da dẻ xanh như màu lá. Có thể nhận ra cách diễn đạt tinh tế của Quang Dũng khi nhà thơ miêu tả một đoàn quân “xanh màu lá” chứ không phải “xanh xao”, người lính Tây Tiến như hòa mình vào thiên nhiên cây lá - ốm mà không yếu, gầy, ốm mà vẫn trẻ trung, tràn đầy sức sống. Nhắc đến “Đoàn binh không mọc tóc” tác giả đã gợi lại hình ảnh anh “vệ trọc: một thời. Câu thơ tả cái ngang tàng của người lính nhưng lại có nét đùa vui, hóm hỉnh: không cần tóc mọc. Dù đói rét, bệnh tật và muôn ngàn gian khổ nhưng người lính vẫn tưng bừng khí thế, vẫn “dữ oai hùm”.
Cái bi nghiệt ngã nhưng không hề lấn át cái hùng. Dù có tiều tụy về hình hài nhưng tinh thần vẫn khỏe khoắn, dũng mãnh như chúa sơn lâm, vẫn kiên định với lí tưởng cách mạng qua hình ảnh đôi mắt ngời sáng: “Mắt trừng gửi mộng…kiều thơm”. Đó là cái mộng chiến đấu và chiến thắng. Ở đây, ta thấy được cái chí và cái tình của người lính. “Chí” trong ánh mắt quyết tử, “tình” bâng khuâng trong giấc mơ lãng mạn. “Đêm mơ Hà Nội dáng kiểu thơm” hình ảnh Hà Nội và dáng kiều thơm hiện về trong đêm mơ là nguồn động viên, cổ vũ đối với các chiến sĩ. Một thoáng kỉ niệm êm đềm trong sáng ấy đã tiếp sức cho họ trong chiến đấu gian nan. Có lẽ lí tưởng cách mạng khiến tình yêu thương thêm cao cả, lớn lao. Đó là những nét khắc họa chân thực và cảm động về cả một thế hệ người Việt Nam dằn lòng gạt tình riêng, ra đi vì nghĩa lớn.
Gọi về trong kí ức, Quang Dũng nhắc đến sự hi sinh của người lính Tây Tiến. Tác giả nhìn thằng vào cái bi nhưng đem đến cho nó một vẻ đẹp hào hùng, lẫm liệt và trang trọng.
Dù nói về cái chết, nỗi đau mất mát nhưng Quang Dũng lại không dùng những từ bi ai. Cách dùng từ Hán Việt “ biên cương “, “ viễn xứ”, “áo bào”…trang trọng đã khiến cái bi thương, lạnh lẽo mờ đi làm cho sự hi sinh của chiến sĩ Tây Tiến được đặt vào không khí thiêng liêng trang trọng, tạo tâm thế ngưỡng mộ đầy tôn kính cho người đọc. Và cảm giác ảm đạm ngậm ngùi đã nhanh chóng bị xóa đi bởi tứ thơ mạnh mẽ, rắn rỏi như một lời tuyên thệ trong câu 2: “Chiến trường …. đời xanh”.
Hình tượng thơ đậm chất bi tráng, khẳng định mãnh mẽ khí phách của tuổi trẻ một thời không chỉ tự nguyện chấp nhận mà còn vượt lên trên cái chết, sẵn sàng dâng hiến cả sự sống, cả tuổi trẻ cho nghĩa lớn của dân tộc. Họ đã ra đi với tất cả lòng say mê của người thanh niên yêu nước, sẵn sàng hiến dâng phần đời đẹp nhất cho đất nước, có người “Chưa kịp yêu một người con gái/ Ngã vào lòng đất vẫn còn trai”. Tuổi trẻ ai chẳng mang cho mình khát vọng, hạnh phúc, tình yêu, ai chẳng mong cho mình được sống với tuổi thanh xuân đầy hoa mộng. Thế nhưng người lính ở đây lại “chẳng tiếc” cho mình. Phải chăng ở họ, cái dòng máu anh hùng của thời đại đã in đậm trong trí não, và dòng máu Lạc Hồng mấy ngàn năm lịch sử. Hình ảnh người lính bi tráng và hàohùng bởi Quang Dũng đã nói được một điều cốt lõi trong nhân cách của người lính: biết hi sinh, biết gian khổ nhưng vẫn ra đi. Họ ra đi chẳng tiếc đời xanh, bởi họ hiến dâng tuổi thanh xuân cho lí tưởng cao đẹp: chiến đấu vì Tổ quốc. Họ ra đi và ngã xuống thanh thản không một chút vướng bận: “Áo bào ... độc hành”.
Cách nói “áo bào thay chiếu” là cách nói bi tráng hóa, tráng lệ hóa sự hi sinh của người lính. Hiện thực bi thương khốc liệt đã được thi vị hóa qua hình ảnh “áo bào” thật sang trọng để các anh “về đất” thanh thản, nhẹ nhàng. Quang Dũng có kể lại : "Khi tử sĩ nằm xuống không đủ manh chiếu để liệm, nói áo bào thay chiếu là cách nói của thơ trước đây để an ủi những người đồng chí vừa ngã xuống”. Hơn nữa, “áo bào” còn gợi ra hình ảnh của những bậc võ tướng xưa, hùng dũng, hiên ngang, thì cái chết của những người lính cũng xứng tầm oai phong, sang trọng như thế, bi hùng bi tráng chứ không bi thương, bi lụy. Tinh thần ấy còn được nâng đỡ ở câu thơ sau: ”Sông Mã…. độc hành”. Thiên nhiên gầm lên khúc tráng ca làm rung chuyển trời đất đưa các anh về cõi vĩnh hằng.
Câu thơ vang dội như một khúc nhạc kì vĩ. Âm hưởng của khúc nhạc bi tráng, khúc nhạc thiêng tiễn đưa người lính về nơi an nghỉ cuối cùng. Khúc tráng ca của thiên nhiên trở thành tiếng khóc lớn nâng sự hi sinh của những người lính Tây Tiến lên tầm vóc sử thi.