Hình ảnh "biển" trong "Sóng" của Xuân Quỳnh (TS. Đoàn Minh Tâm)
- Người viết: AT SCHOOL lúc
- Ngữ văn
- - 1 Bình luận
“Sóng” là bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Xuân Quỳnh được nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam yêu thích và được đưa vào chương trình Ngữ văn THPT từ nhiều năm nay. Trong bài thơ, sóng nổi lên với tư cách là hình ảnh trung tâm, nơi kí thác gần như toàn bộ tư tưởng, tình cảm của tác giả. Tuy nhiên, bên cạnh sóng còn có một hình ảnh khác rất đáng quan tâm đó là biển (hay bể, đại dương theo cách gọi trong mỗi khổ thơ). Đây là hình ảnh đảm nhiệm vai trò “phông nền”, có tác dụng làm nổi bật lên hình tượng trung tâm của toàn bài thơ: con song. Song dù chỉ có chức năng của một “kép phụ”, tuy nhiên, biển cũng mang trong mình những ý nghĩa tự thân độc đáo, là nơi nhà thơ Xuân Quỳnh gửi gắm nhiều những suy nghĩ, khát vọng nhân sinh. Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh biển xuất hiện với tần suất khác cao trong bài thơ (5 trên tổng số 9 khổ).
Dưới đây, chúng ta sẽ lần lượt điểm qua những ý nghĩa của hình tượng biển trong “Sóng”
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Ở khổ thơ đầu tiên, biển (bể) không đơn thuần chỉ là mặt nước bao la với một màu xanh ngăn ngắt mà mang ý nghĩa tượng trưng cho nguồn cội, gốc rễ căn bản của mỗi người. Trong khổ thơ đầu tiên này, vì những cung bậc cảm xúc trái ngược (ồn ào và lặng lẽ) cứ xâm chiếm làm cõi long chênh chao, khó hiểu nên sóng đã tìm về với biển để mong tìm ra lời giải đáp thỏa đáng cho bản thân. Biển là khởi thủy của song, là nơi sóng sinh thành. Do đó hành trình về với biển cũng là hành trình tìm về với nguồn cội, tìm về bản nguyên sơ khai của mình. Có thể thấy nhà thơ Xuân Quỳnh đã xây dựng hành trình của sóng dựa trên tín ngưỡng coi trọng biển cả gắn liền với truyền thuyết về mẹ Âu Cơ và tâm lí, truyền thống văn hóa đặc trưng coi trọng nguồn cội, quê hương xứ sở của người Việt.
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩa về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?"
Đến khổ thơ thứ ba, hình ảnh biển lại mang một ý nghĩa khác, sự rộng lớn vô cùng không thể nắm bắt của vũ trụ. Sau phút giây nghĩ về bản thân và người mình yêu (Em nghĩ về anh, em), cô gái – nhân vật trữ tình của bài thơ – đã hướng suy nghĩ đến vấn đề lớn hơn, nhiều hàm nghĩa hơn và cũng khó lí giải hơn: biển lớn. Ở đây, từ “tiểu tự sự”, cô gái đã hướng đến “đại tự sự”. Từ việc tìm hiểu con người cá nhân, cô gái đã hướng đến việc tìm hiểu những vấn đề bản nguyên nhất của trời đất: “Từ nơi nào sóng lên?” Sóng là một hiện tượng tự nhiên. Nhân vật chữ tình trong “Sóng”, trước tự nhiên, nảy sinh một mong muốn là tìm hiểu bản thân, về cuộc đời, về những câu hỏi lớn của nhân loại: “Ta là ai? Ta đến từ đâu? Ta đi về đâu?”. Rõ rang trong khổ thơ này, cảm xúc tình yêu không còn giữ vai trò chủ đạo mà được thay thế bằng cảm hứng triết lí nhân sinh.
Trong khổ thơ thứ tiếp theo, nguồn cảm hứng này bị che khuất khi tình yêu đã chiếm trọn tâm trí của nhân vật trữ tình. Hình ảnh biển, do đó cũng bị nhạt nhòa đi và chìm khuất trong nỗi nhớ còn cào, da diết của con sóng. Tuy nhiên khi những cung bậc tình cảm đã qua phút giây cao trào để đi vào lắng đọng chiều sâu, khi lí trí đồng hành trở lại cùng con tim, nhân vật trữ tình trong “Sóng” lại hướng đến những suy nghxi mang màu sắc hiện thực hơn, tỉnh táo hơn. Và, hình ảnh biển cũng xuất hiện trở lại trong ba khổ thơ cuối cùng:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Ở khổ thơ thứ 7 này, biển mang biểu trưng kép. Thứ nhất, biển là điểm bắt đầu cho hành trình con sóng vào bờ. Thứ hai, biển biểu thị, ẩn dụ chứa “muôn vàn cách trở” những khó khăn, gian lao mà con sóng gặp phải trong hành trình của mình. Không có tình yêu nào, chính xác hơn là không có hạnh phúc nào lại không phải trải qua những gian lao vất vả. Tứ thơ ở đây vừa lắng đọng, vừa giãi bày, vừa chiêm nghiệm như được chắt ra từ chính cuộc đời chìm nổi như những con sóng của nhà thơ.
Đế khổ thơ thứ 8, biển lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn qua đi
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
Đây là khổ thơ có tầm triết lí nhân sinh đậm nét nhất trong toàn bộ bài thơ “Sóng”. Nhà thơ Xuân Quỳnh đã đề cập tới vấn đề cơ bản nhất của đời người: thời gian. Cuộc đời con người tuy dài ngắn khác nhau, có lúc thật dài, có lúc thật ngắn nhưng chung quy lại đều có giới hạn. Hình ảnh biển dẫu rộng nhưng vẫn bị những áng mây nhởn nhơ trên bầu trời vượt qua là phép ẩn dụ tiêu biểu. Biển ở khổ thơ này tượng trưng cho thời gian hữu hạn của đời người, đến một lúc, một giờ khắc nào đó sẽ không cò tồn tai nữa trong dòng thời gian thật. Chúng ta bắt gặp ở đây một cảm giác thật mong manh, bất lực của con người trước tự nhiên của Xuân Quỳnh. Chúng ta bắt gặp cảm thức ấy trong thơ Lưu Quang Vũ, người chồng của nữ sĩ. Cặp vợ chồng tài hoa này có cùng chung cảm thức, tâm trạng (và phần nào là cách thể hiện) trước cái vô biên của không gian, vô định của thời gian. Lưu Quang Vũ đã viết trong “Bài hát ấy vẫn còn đang dang dở” những vần thơ như sau:
“Nắng đã tắt dần trên lá im
Chiều đã sẫm màu xanh trong mắt tối
Đường đã hết trước biển cao vời vợi
Tây đã buông khi vừa dứt cung đàn
Gió đã dừng nơi cuối chót không gian
Mưa đã tạnh ở trong lòng đất thẳm
Người đã sống hết tận cùng năm tháng
Sau vô biên sẽ chỉ có vô biên”
Tứ thơ “sau vô biên chỉ có vô biên” là một lời nhắc nhở đầy “ngậm ngùi” về thân phận con người trước tự nhiên. Là một nhà thơ, lại là nhà thơ nữ, Xuân Quỳnh càng có cái nhạy cảm mong manh ấy. Nhưng bằng bản năng, bằng tình yêu sâu sắc mãnh liệt của mình, nhà thơ muốn vượt qua vài lần ranh giới sinh tử đó. Nếu người đàn ông, sức dài vai rộng, chọn cách lập nghiệp để “nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh” thì Xuân Quỳnh lại chọn cách rất phụ nữ, chìm đắm trong tình yêu. Nhà thơ ao ước:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng đó
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Hình ảnh biển ở đây giờ đã hòa làm một, quấn quýt cùng sóng thành biểu tượng tình yêu vĩnh cửu. Như vậy mặc dù xuất phát với những ý nghĩa, vai trò khác nhau, nhưng đến khổ thơ cuối, biển và sóng đã “hòa chung nhịp đập” xoắn xuýt bên nhau như đôi tình nhân, tụng ca tình yêu muôn đời
Qua phân tích ở trên, chúng ta thấy trong “Sóng” không chỉ có cảm hứng tình yêu, qua hình ảnh con sóng, mà còn có triết lí nhân sinh với hình ảnh biển mang ý nghĩa đại diện. Sự hòa quện, đan xen, gắn bó mật thiết giữa sóng và biển, giữa cảm hứng tình yêu và cảm hứng nhân sinh, đã làm nên một bài thơ “Sóng” – đi cùng năm tháng, làm nổi bật tài năng, sự nhạy cảm thiên phú cùng trai tim tha thiết yêu thương của nhà thơ Xuân Quỳnh, một trong những gương mặt thơ nữ tiêu biểu của văn học hiện đại nước nhà.