Hình ảnh chiến đấu gian lao trên một quãng thủy chiến ở mặt trận sông Đà
- Người viết: AT SCHOOL lúc
- Ngữ văn
- - 0 Bình luận
Trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân viết: “Tôi xin ghi ở đoạn này cái hình ảnh chiến đấu gian lao của người lái đò trên chiến trường Sông Đà, trên một quãng thủy chiến ở mặt trận Sông Đà”. Phân tích “hình ảnh chiến đấu gian lao trên một quãng thủy chiến ở mặt trận Sông Đà” để thấy vẻ đẹp hình tượng người lái đò sông Đà.
1. MỞ BÀI
“Ôi những dòng sông bắt nước từ đầu
Mà khi về đất nước mình thì bật lên câu hát”
(Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm)
Tổ quốc Việt Nam có trong núi nghìn sông diễm lệ, có biết bao lời thơ, câu hát và trang vang đã cất lên để ngợi ca sông núi. Tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân là một trường hợp như thế. Tác phẩm không chỉ thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo mà còn bộc lộ tấm lòng gắn bó sâu sắc của nhà văn đối với mảnh đất, con người miền Tây Bắc Tổ quốc. Nguyễn Tuân đã viết: “tôi xin ghi ở đoạn này cái hình ảnh chiến đấu gian lao của người lái đò trên chiến trường Sông Đà, trên một quãng thủy chiến ở mặt trận Sông Đà”.
2. THÂN BÀI
2.1. Khái quát
Nguyễn Tuấn là nhà văn uyên bác, tài hoa có phong cách nghệ thuật độc đáo. Ông đặc biệt say mê với những vẻ đẹp tuyệt mĩ, những con người chí dũng tài hoa, những cảnh tượng hùng vĩ, dữ dội. “Người lái đò sông Đà” là thiên tùy bút xuất sắc của Nguyễn Tuân, in trong tập tùy bút “ Sông Đà” (1960) kết quả của chuyến đi thực tế l ên vùng Tây Bắc của Nguyễn Tuân vào năm 1958. Trong tác phẩm, nhà văn đã xây dựng được hai hình tượng mang đậm dấu ấn phong cách độc đáo, để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc hình tượng sông Đà hùng vĩ, hung bạo mà thơ mộng trữ tình và hình tượng người lái đò sông Đà trí dũng tài hoa.
2.2. Phân tích
a. Cuộc chiến đấu gian lao bởi tương quan không cân sức giữa người lái đò với sông Đà
Là nhà văn của những cảm giác mãnh liệt luôn có hứng thú đặc biệt với núi cao, rừng sâu, với gió bão và thác ghềnh dữ dội, ngòi bút của Nguyễn Tuân tung hoành sảng khoái giữa dòng thác ngôn từ. Trước khi miêu tả trực t iếp cuộc vượt thác, nhà văn tô đậm vẻ
dữ dội, nguy hiểm của thác nước và thạch trận Sông Đà. Có lẽ, khủng khiếp nhất trong “Diện mạo và tâm địa của kẻ thù số 1” của con người phải là thác đá sông Đà. Khi còn xa mới tới thác, Nguyễn Tuân đã miêu tả âm thanh tiếng nước thác bằng những từ ngữ chỉ cảm xúc, thái độ, tâm trạng của con người: Khi “oán trách… van xin”, khi “khiêu khích”, “giọng gằn và chế nhạo”.... khi “rống lên”. Nghệ thuật nhân hóa đã khiến thác nước sông Đà thực sự trở hành một sinh thể sống trong giận dữ, gầm gào, đe dọa con người ngay cả khi nó chưa xuất hiện. Đặc sắc nhất là những phép so sánh kỳ thú trong một câu văn dài đầy ắp những hình ảnh dữ dội với “hàng ngàn con trâu đang lồng lộn giữa rừng vầu, tre, nứa, nổ lửa... rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu ra cháy bùng bùng” nhà văn đã thể hiện tài hoa, độc đáo hình ảnh gợi tả âm thanh, khi đặt những hình ảnh tương phản trong một trường liên tưởng bất ngờ, thú vị lấy lửa tả nước, lấy rừng tả sông…
Khi thác hiện ra, sau câu văn ngắn giống như tiếng reo ngỡ ngàng, thích thú: “Tới cái thác rồi”, nhà văn đã đồng thời tả cả đá và nước thác trong hình ảnh: “Sóng bọt đá trắng xóa cả một chân trời đá” . Tính từ “trắng xóa” lặp lại nhiều lần gây ấn tượng về sông, về gió, về bọt nước trào sôi mãnh liệt, cù ng với hình ảnh “chân trời đá”, câu văn miêu tả của Nguyễn Tuân đã làm hiện ra sự hùng vĩ tới choáng ngợp của thác đá sông Đà ngay trong những ấn tượng đầu tiên khi vừa gặp mặt. Đá sông Đà cùng với nước, với sóng và gió kết hợp với nhau cùng lúc tấn công uy hiếp con người đã được nhà văn miêu tả qua một hình ảnh nhân hóa đặc sắc: “Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục…, mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện…. là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”.
Với tâm địa độc ác, sông Đà bày thạch trận trên sông, để “ăn chết” cái thuyền đơn độc đi qua nó. Rõ ràng trong tương quan không cân sức: con người nhỏ bé trước sức mạnh hung bạo, dữ dội của dòng sông. Cuộc sống của người lái đò sông Đà quả là một cuộc chiến hàng ngày với thiên nhiên, cuộc đấu tranh với thiên nhiên để dành sức sống từ tay nó về tay mình.
b. Cuộc chiến đấu gian lao thể hiện trong diễn biến cuộc vượt thác, vượt thạch trận sông Đà
VÒNG VÂY 1
- Sông Đà: Ở trùng vi thứ nhất, sông Đà chia thành 5 cửa trận, trong đó có 4 cửa tử và 1 cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vừa vào thạch trận “Sóng, nước, đá sông hò la vang dậy”, ùa vào định “bẻ gãy cán chèo” trên tay người lái đò. Sóng nước như một đám quân liều mạng xông vào “Đá trái, thúc gối vào bụng, vào hông thuyền”. Nước như một đồ vật “túm thắt lưng đò đòi vật ngửa mình ra trận nước vang trời thanh la não bạt” rồi đánh miếng “đòn hiểm” vài chỗ “hạ bộ” của người lái đò.
- Thái độ, hành động của người lái đò: Khi “thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới “sẵn sàng lao thẳng vào trận địa dù tương quan không cân sức, không sợ hãi, không né tránh. Khi bị đòn hiểm độc, mắt ông như thấy “một cửa bể đom đóm” nhưng “hai tay giữ mái chèo, ông cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo xệch, kiên cường nén chịu vết thương thể xác. Trên con thuyền vẫn nghe tiếng chỉ huy ngắn gọn của người cầm lái, tư thế, thái độ bình tĩnh hiên ngang của người chỉ huy trong cuộc chiến. Ông lái đò thật sự là một người lão luyệ n, luôn bình tĩnh, dũng cảm, biết nén mọi đau đớn để chiến thắng đối thủ hiểm ác của mình. Dáng vẻ ông đò hiên ngang như chiến tướng vững vàng, dày dặn kinh nghiệm trên chiến trường sông nước.
VÒNG VÂY 2
- Sông Đà: Ở trùng vi thứ hai, kẻ địch thay đổi chiến thuật. Chúng tăng thêm nhiều cửa tử, cửa sinh lại bố trí lệch sang phía bờ hữu ngạn nhằm đánh lừa con thuyền. Chúng bộc lộ mặt nham hiểm xảo quyệt. “Dòng thác hùm beo hồng hộc tế mạn trên sông đá” - thiên nhiên hùng mãnh thú dữ”. “Đám thủy quân” địch “níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử”. Đá, nước sông Đà dai dẳng, quyết liệt quyết tâm diệt con thuyền, con người.
- Thái độ, hành động của người lái đò: Ông lái đò đã “nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá” nên đã nắm chặt được bờm sóng “Đúng luồng” rồi “ghì cương lái” , “phóng nhanh vào cửa sinh”. Bọn tướng đá, đứa thì “ông tránh mà rảo bơi trèo lên”, đứa thì bị “ông sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”. Cuối cùng ông thắng mà bọn tướng thì thất bại thảm hại. Những động tác thành thạo, chính xác, uyển chuyển, linh hoạt, không chút lỡ tay lệch nhịp, toát lên sự điêu luyện thuần thục của một nghệ sĩ tài hoa.
VÒNG VÂY 3
- Sông Đà: Ở trùng vi thứ 3, ít cửa hơn, bên trái, bên phải đều là luồng chết cả, các luồng sống ngay ở giữa con thác. Lời văn miêu tả ngắn, ít nhưng mức độ nguy hiểm của thạch trận sông Đà không giảm, thậm chí đáng sợ hơn.
- Thái độ, hành động của người lái đò: Ông đò như một người chỉ huy dày dặn cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng của giữa đó. Hành động dũng mãnh, thần tốc, động tác nhanh gọn, dứt khoát, phá tan trận địa đá nước sông Đà, giành lấy sự sống từ thác dữ. Ông lái đò trở thành người anh hùng chiến thắng trong cuộc chiến hoàn toàn không cân sức, “Thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được”. Bản hùng ca vượt thác lên đến cao trào. Con thuyền lướt nhanh trên đầu sóng nước của sông Đà. Trên con thuyền vun vút đó chúng ta nhìn rõ hình ảnh người lái đò anh dũng vừa dũng cảm, thông minh, vừa thật là tài hoa. Câu văn ngắn, nhịp văn gấp, hơi văn nhanh mà nhẹ,tạo cảm giác con thuyền - con người như bay lượn trên sóng thác sông Đà, phong thái ung dung, không gì có thể cản trở, gây khó dễ được. Đó thực sự là người nghệ sĩ điêu luyện, tài h oa, tay lái ra hoa trong nghệ thuật vượt thác ghềnh.
2.3. Khái quát, đánh giá
- Khắc họa hình ảnh chiến đấu gian lao trên một quãng thủy chiến ở mặt trận sông Đà, trên thác hiên ngang một người lái đò có tự do, một lần trong hàng trăm lần chiến thắng sóng nước, thác đá dữ dội, nhà văn Nguyễn Tuân tô đậm vẻ đẹp của nhân vật. Một thổ công sông nước - một anh hùng trên chiến trường sông nước - Một nghệ sĩ tay lái ra hoa trong nghệ thuật vượt thác lao ghềnh.
- Qua đó, tác giả thể hiện niềm khâm phục, say mê ngợi ca vẻ đẹp của những người lao động bình dị vô danh.
- Nghệ thuật khắc họa vẻ đẹp hình tượng nhân vật: Tạo tình huống thử thách làm nền cảnh tỏa sáng vẻ đẹp nhân vật, thủ pháp tương phản, tri thức uyên bác, nhiều l ĩnh vực, giàu hình ảnh, nhiều so sánh, liên tưởng độc đáo, ngôn ngữ phong phú, nhịp điệu câu văn linh hoạt….
3. KẾT BÀI
“Người lái đò sông Đà” chính là khúc hùng ca ca ngợi con người, ca ngợi ý chí của con người, ca ngợi lao động vinh quang đã đưa con người tới thắng lợi huy hoàng trước sức mạnh của dòng sông hung dữ. Ông lái đò là hình ảnh tuyệt đẹp về người lao động bình thường nhưng tài ba, chí dũng. Nguyễn Tuân đã miêu tả ông lái bằng một trí tưởng tượng bay bổng, vốn từ vựng phong phú, đa dạng, chọn lọc, sử dụng tri thức hội họa, điện ảnh, võ thuật, quân sự một cách tài hoa, uyên bác để diễn tả sinh động, tài nghệ của nhân vật. Nguyễn Tuân miêu tả ông lái đò với tấm lòng quý mến và khâm phục, coi ông như chất vàng mười của Tây Bắc. Cảm ơn Nguyễn Tuân người nghệ sĩ tài hoa đã bằng cảm hứng lãng mạn và nghệ thuật ngôn từ đem lại cho ta chất vàng mười - người quý giá của đời, làm giàu sang cho tâm trí ta, giúp ta biết yêu hơn tổ quốc, nhân dân, cuộc sống.