Vẻ đẹp thiên tính nữ trong "Ai đã đặt tên cho dòng sông?"
- Người viết: AT SCHOOL lúc
- Ngữ văn
- - 0 Bình luận
Lịch sử văn hóa dân tộc gắn liền với bao dòng sông vừa hùng vĩ vừa bình dị, thân thương mà đầy ý nghĩa. Những con sông ấy đã in dấu vào các sáng tác văn chương rất sâu, rất đẹp. Đó là dòng sông Như Nguyệt gắn với chiến thắng quân Tống của Lý Thường Kiệt và bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Nam quốc sơn hà; là dòng sông Bạch Đằng ghi dấu bao chiến công khiến Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu phải dừng chân bâng khuâng với bao cảm xúc (Bạch Đằng hải khẩu, Bạch Đằng giang phú); là sông Đà hùng vĩ mà nên thơ, trữ tình trong những trang tùy bút của Nguyễn Tuân (Người lái đò sông Đà); hay dòng sông bình dị của quê hương đã làm nên tên tuổi “nhà thơ quê hương” Tế Hanh… Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, bài bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là bài kí đặc sắc về dòng sông Hương của xứ Huế quê hương ông.
Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn chuyên viết về bút kí. Đọc tác phẩm của ông, ta dường như đắm chìm trong giọng văn nhẹ nhàng, tài hoa và giàu chất trí tuệ. Hình ảnh dòng sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? hiện lên trong chỉnh thể vẻ đẹp của tự nhiên, văn hóa và lịch sử. Điều đặc biệt là hình tượng sông Hương trong bài kí đã mang đạm vẻ đẹp thiên tính nữ vừa dịu dàng, mềm mại, vừa say mê, cuốn hút và quyết rũ.
Trước tiên, ta có thể nhận thấy, Hoàng Phủ Ngọc Tường cảm nhận sông Hương như một người nữ. Nhà văn sử dụng thủ pháp nhân hóa, so sánh rất thành công. Ông trực tiếp gọi tên dòng sông quê hương là cô gái Di – gan, người con gái, người mẹ phù sa, người gái đẹp, người tài nữ đánh đàn, nàng Kiều trong đêm tình tự. Mỗi tên gọi đều gợi lên hình ảnh dòng sông như người phụ nữ dịu dàng và xinh đẹp. Giữa rừng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời “như một cô gái Di – gan phóng khoáng và man dại”. Trong hình dung của nhiều người, sông Hương vốn hiền hòa, trầm mặc và dịu dàng như chính xứ Huế và con người lặng lẽ nơi đây. Bởi vậy, hình ảnh so sánh của Hoàng Phủ Ngọc Tường thật độc đáo và mới mẻ, đem lại cho người ta một cảm nhận mới về dòng sông này. Những cô gái Di – gan du mục vốn nổi bật với vũ điệu mạnh mẽ, cuốn hút, quyến rũ và đầy cá tính. Hình ảnh đó làm ta liên tưởng đến cô gái Bôhêmiêng xinh đẹp, phóng khoáng, tự do với cá tính và vũ điệu say mê trong “Nhà thờ Đức Bà Paris” của V.Huy-gô. Và sông Hương trong mối quan hệ so sánh đặc biệt ấy đã hiện lên với những sắc màu, cung bậc cảm xúc đối lập mà thống nhất “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc … dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Dòng sông trải qua hành trình dài trong tự nhiên có vẻ đẹp đầy bí ẩn lôi cuốn – vừa mạng mẽ dữ dội, vừa nhẹ nhàng say đắm. Tác giả tập trung thể hiện những cung bậc, dáng vẻ đối lập của dòng sông, nhưng đặc biệt nhấn mạnh sự dịu dàng, say đắm rất đặc trưng của nữ tính.
Sự chuyển đổi cách gọi sông Hương khắc họa thêm một vẻ đẹp khác của nó. Trài qua sự chế ngự của rừng già, dòng sông được “chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình” để “mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”. Từ bản năng phóng khoáng, man dại của cô gái Di – gan, dòng sông trầm tích vào trong mình vẻ đẹp dịu dàng, chở che của người mẹ. Sông Hương trở nên trầm mặc, lặng lẽ, ấm áp và bao dung. Hành trình của dòng chảy khiến ta hình dung chặng đường đời của người phụ nữ. Từ một cô gái phóng khoáng, mãnh liệt và đầy mê say, trải qua những thử thách, gian truân, người con gái trở nên mạnh mẽ, đặc biệt là khi trở thành người mẹ, người phụ nữ trầm tính, dịu dàng và có chiều sâu hơn. Người con gái – sống Hương đã từng bước đổi thay và trưởng thành qua từng chặng đường của dòng chảy như thế. Như vậy, dù ở khía cạnh nào, trong hành trình và vẻ đẹp tự nhiên vốn có của dòng sông, tác giả vẫn nhìn nhận nó ở khía cạnh nữ tính với những cung bậc đối lập và thống nhất trong một sinh thể: phóng khoáng mà trầm mặc, man dại, mãnh liệt mà dịu dàng; tự do, cuốn hút đầy bản năng mà chở che, ấm áp…
Trong dòng chảy tự nhiên, sông Hương có lúc như một cô gái Di – gan phóng khoáng, cuốn hút, có lúc lại thâm trầm, lặng lẽ và từng trải như một người mẹ với bản nang chở che. Còn trong mối quan hệ với vẻ đẹp văn hóa xứ sở, dòng sông trầm tích trong mình cả nền văn hóa xứ Huế, lặng thầm chất đầy nỗi niềm bí ẩn như điệu tâm hồn, nhịp sống bình lặng hàng ngàn năm của xứ sở. Trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước, “sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”. Một trong những nét đặc trung của Huế là ca Huế trên sông Hương khi đêm xuống. Dòng sông trở thành người tài nữ đánh đàn nghĩa là sông Hương như một nữ nghệ sĩ tài hoa, mang đặc trưng văn hóa và điệu hồn xứ Huế. Đó là một nét nữ tính làm nên sự dịu dàng, nữ tính, đầy bí ẩn. Đồng thời, hình ảnh sông Hương chia tay với xứ Huế đầy lưu luyến như không nỡ xa rời ở góc thị trấn Bao Vinh cổ xưa còn được ví với nàng Kiều trong đêm tình tự, “sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi ra biển cả”. Cảm nhận của tác giả về sông Hương qua khúc rẽ trái này lại giống như một người con gái chung tình và đầy lưu luyến.
Sông Hương được nhân hóa, so sánh để hiện lên như một con người cụ thể và sống động, đặc biệt thể hiện trực tiếp qua các cách gọi mang tính nữ về một dòng sông huyền diệu. Dòng sông khi thì là cô gái, khi là người mẹ, khi lại là người tài nữ, cũng có khi là nàng Kiều đi vào thi ca dân tộc và nhân loại. Dù các cách gọi khác nhau, tất cả vẫn gợi lên ấn tượng một dòng sông xinh đẹp, phóng khoáng, hấp dẫn, cuốn hủ đầy say mê mà vẫn dịu dàng đằm thắm, chất chứa chiều sâu tâm hồn kín đáo. Đó là vẻ đẹp thiên tính nữ đặc trưng và đáng yêu.
Bên cạnh đó, sông Hương còn được nhìn nhận ở cả vẻ đẹp bên ngoài đầy hấp dẫn. Tác giả cảm nhận dòng sông như một thiếu nữ xinh đẹp cuốn hút “người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”. Hình ảnh này gợi lên cho ta liên tưởng về những câu chuyện cổ tích xa xôi, lãng mạn, về người đẹp ngủ quên được chàng hoàng tử đến đánh thức bằng tình yêu. Sông Hương tự như người đẹp ngủ quên giữa cánh đồng đầy hoa dại, gợi lên vẻ đẹp yêu kiều, mơ màng và lãng mạn, đầy nữ tính.
Ngòi bút miêu tả sống động, nhiều câu văn nhịp nhàng, giàu so sánh cũng gợi lên hình ảnh sông Hương duyên dáng, xinh đẹp và nhẹn nhàng. Dòng sông mềm mại như người thiếu nữ “uốn mình theo những đường cong thật mềm”, “sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ … đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”. Tác giả cảm nhận sông Hương trong dòng chảy với những đường cong mềm mại, nhẹ nhàng như làm duyên, phô diễn vẻ đẹp của mình, và ẩn chứa một niềm tự hào chưa cất lên thành lời. Hoàng Phù Ngọc Tường đặc biệt nhấn mạnh những đường cong rất nữ tính ấy, bởi một mặt đó là vẻ đẹp hình thể của một dòng chảy nhiều uốn lượn của sông Hương đem lại cho con sông hình dáng yểu điệu, mềm mại hấp dẫn. Mặt khác, người đọc cũng cảm nhận thêm được vẻ đẹp dịu dàng, e lệ, kín đáo rất đáng yêu cho dòng sông, …
Ai đã đặt tên cho dòng sông? là bái bút kí đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường với cách viết tài hoa, trí tuệ, uyên bác xen lẫn với giọng văn nhẹ nhàng, chan chứa niềm cảm xúc mến yêu. Hình ảnh dòng sông Hương được khắc họa nổi bật với vẻ đẹp vừa nữ tính vừa xinh đẹp, duyên dáng đáng yêu, vừa phóng khoáng, mãnh liệt đầy say mê, vừa dịu dàng, đằm thắm, thâm trầm, kín đáo. Cách cảm nhận sông Hương với vẻ đẹp thiên tính nữ ấy đem lại cho sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường một nét dáng, hình dung riêng so với sông Hương trong cảm nhận của Tản Đà, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Tố Hữu. Và điều quan trọng trong nghề văn chính là tác giả đã in được dấu ấn riêng, có được cách cảm nhận riêng không lẫn với ai. Hoàng Phủ Ngọc Tường – người con của xứ Huế – viết về dòng sông quê đã ghi lại được một dấu ấn riêng như thế!
* Bài viết của cô Phạm Thanh Lê – Giáo viên trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, TP. Vinh, Nghệ An, được in trong Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ số 11, năm 2015.