Bộ GD-ĐT công bố 7 điểm mới của quy chế tuyển sinh đại học năm 2025

Bộ GD-ĐT công bố 7 điểm mới của quy chế tuyển sinh đại học năm 2025

Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non sẽ được ban hành ngay trong tháng 2. Trong đó, 7 điểm mới tuyển sinh thí sinh cần lưu ý khi tham gia xét tuyển năm nay.

Sáng nay (15.2), Báo Thanh Niên tổ chức chương trình khai mạc Tư vấn mùa thi 2025 tại Trường ĐH Đồng Nai. Chương trình thu hút khoảng 10.000 học sinh tham dự trực tiếp cùng hơn 50 đơn vị giáo dục tham gia.

Quy chế tuyển sinh chính thức được ban hành trong tháng 2

Tham dự chương trình, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) có những lưu ý về tuyển sinh ĐH theo chương trình Giáo dục phổ thông mới, phân tích ưu thế của thí sinh khi tham gia các phương thức xét tuyển khác nhau.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non sẽ được ban hành trong tháng 2. Từ dự thảo công bố và tiếp thu ý kiến góp ý, quy chế chính thức sẽ có những điều chỉnh so với dự thảo công bố lấy ý kiến trước đó.

Thứ nhất, năm nay sẽ không còn xét tuyển sớm và tất cả tuân theo quy trình xét tuyển chung. Riêng xét tuyển thẳng, được thực hiện theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT.

Thứ 2, các trường ĐH, CĐ dùng kết quả bậc THPT để xét tuyển, theo yêu cầu trong quy chế, là dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12.

Thứ 3, việc các cơ sở đào tạo có cách thức quy đổi tương đương giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển là điều bắt buộc. Điều này dẫn đến việc các trường không cần phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển.

Thứ 4, một điểm mới tiếp theo, các trường được quyền quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm ngoại ngữ để xét tuyển. Do đó, thí sinh không nhất thiết tham dự môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định.

Thứ 5, quy chế cũng bỏ yêu cầu mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển. Đặc biệt, quy định yêu cầu số môn chung giữa các tổ hợp xét tuyển phải chiếm trọng số 50% chỉ bắt đầu được áp dụng từ năm 2026, tức chưa phải năm nay.

Thứ 6, điểm cộng ưu tiên của thí sinh không vượt quá 10% mức tối đa tổng điểm xét tuyển (tức vượt quá 30 điểm). Điểm ưu tiên này gồm điểm cộng ưu tiên về khu vực, đối tượng theo quy chế tuyển sinh và các điểm ưu tiên khác theo quy định của nhà trường.

Thứ 7, ngưỡng điểm đảm bảo khối ngành sức khoẻ và đào tạo giáo viên sẽ giữ như quy chế hiện hành, chưa áp dụng những điều chỉnh này ngay trong năm nay.

Nguồn: báo Thanh Niên

← Bài trước Bài sau →