Điểm chuẩn trúng tuyển cao hơn điểm sàn nhiều không?

Điểm chuẩn trúng tuyển cao hơn điểm sàn nhiều không?

Khoảng cách giữa điểm sàn với điểm chuẩn đại học năm 2022 là bao nhiêu? Cùng lắng nghe GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ dưới đây.

Đến hết ngày 2/8, các trường ĐH trên cả nước đều đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn). Trên các diễn đàn, nhiều thí sinh đặt ra thắc mắc về cơ hội trúng tuyển khi có mức điểm ngang bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với điểm sàn.

 

Với các ngành hot, điểm trúng tuyển khó sát điểm sàn

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, điểm sàn là mức điểm tối thiểu thí sinh cần có để đủ điều kiện đăng ký xét tuyển. Khái niệm này khác với điểm chuẩn - là mức điểm trúng tuyển, được lấy từ trên xuống dưới theo chỉ tiêu nhà trường đã công bố.

 

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

 

Ví dụ, ngành Công nghệ thông tin có điểm sàn là 22 điểm, có nghĩa tất cả thí sinh từ 22 điểm trở lên đều có thể nộp hồ sơ vào ngành này. Tuy nhiên, nhà trường sẽ lấy từ trên xuống, có thể 1.000 thí sinh nộp hồ sơ nhưng chỉ lấy 100 chỉ tiêu có điểm cao nhất. Như vậy, có thể 27 điểm mới là điểm trúng tuyển.

"Thí sinh cần hết sức cẩn thận. Chỉ những ngành học nào số hồ sơ đăng ký không cao, những ngành không hot thì điểm chuẩn mới có thể tương đối sát với điểm sàn, ví dụ các ngành khoa học cơ bản như Triết học, Lịch sử,… Còn với những ngành đang hot hiện nay, việc điểm sàn sát điểm trúng tuyển là điều rất khó. Vì thí sinh đặt hồ sơ vào càng đông, khoảng cách giữa điểm sàn và điểm chuẩn lại càng lớn", GS Đức nhấn mạnh.

 

GS Nguyễn Đình Đức đưa ra lời khuyên: thí sinh nên căn cứ vào điểm chuẩn năm trước, phổ điểm các tổ hợp và chỉ tiêu năm nay của các trường để xác định mức điểm của mình có "an toàn" hay không, thay vì dựa vào điểm sàn.

← Bài trước Bài sau →