Chỉ còn 7 ngày nữa là hết hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường Đại học năm 2022, tuy nhiên mới có khoảng 50% thí sinh thực hiện nhập nguyện vọng trên hệ thống. Dưới đây là những lý do thí sinh không nên để đến ngày cuối mới đăng kí nguyện vọng.
Đừng đợi ngày cuối Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho hay điểm khác trong lộ trình xét tuyển vào ĐH năm nay là Bộ GD-ĐT đã tách việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào 2 thời điểm khác nhau. Bên cạnh đó, năm nay thay đổi về mặt kỹ thuật xét tuyển nên kéo dài thời gian đăng ký từ 22.7 - 20.8. Ông Hải nói: “Thời gian để các em đăng ký là quá dài (1 tháng) nên các em nghiên cứu nhiều hơn, tham khảo nhiều nguồn thông tin hơn, cũng vì thế mà các em còn chậm trong việc đăng ký. Nhưng không nên để đến những ngày cuối mới đăng ký vì dễ có nguy cơ rủi ro về mặt kỹ thuật, sẽ ảnh hưởng đến việc đăng ký, như đăng ký xong nhưng không lưu được…”. Ông Hải nhấn mạnh còn 9 ngày nữa (kể cả ngày 12/8), mà chỉ có 50% TS đăng ký NV là rất đáng lo. Quy chế năm nay yêu cầu tất cả các TS dù trúng tuyển sớm hay trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì đều phải đăng ký trên hệ thống. Bên cạnh đó, không nên đăng ký nhiều ngành khác nhau ở nhiều NV khác nhau. Phải chọn ngành nào mong muốn nhất ở NV đầu tiên vì hệ thống sẽ xét NV 1 trước rồi mới đến các NV tiếp theo. Và một điều đặc biệt lưu ý là phải lưu lại hồ sơ mình đăng ký ở phiên bản cuối cùng, để xác nhận nhập học. Ông Võ Ngọc Nhơn, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng thời gian đăng ký đã trôi qua 2/3 nhưng còn 50% TS chưa đăng ký NV là rất đáng lo. Con số này có thể phân theo 2 hướng, hướng thứ nhất có thể là các TS đang chờ đợi, cân nhắc và suy xét lại sau khi các trường công bố điểm sàn. Nhưng có một hướng thứ hai rất đáng lo là các TS… quên. Đặc biệt những TS trúng tuyển bằng các phương thức sớm, rất nhiều người không biết mình phải lên cổng thông tin của Bộ để đăng ký.
Nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng? Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, với khoảng 50% TS đã nhập NV, trung bình mỗi TS đăng ký trên 4 NV. Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nhận xét “con số NV từ 4 - 5 khá đẹp, ổn định”. Theo ông Tư, trên phần mềm tuyển sinh ông vẫn thấy có TS đăng ký dàn trải, trên 10 NV, ở nhiều ngành học khác nhau. Có em lại khá chủ quan khi chỉ đăng ký có 1 - 2 NV. “Cuộc chơi tuyển sinh năm nay có rất nhiều bất ngờ, nên các em cũng cần cẩn thận. Các em hãy tự tính toán, nên có những phương án dự phòng, cho điểm lùi của mình, để không rơi vào “thế kẹt”, không đậu được ngành muốn học”, ông Tư chia sẻ.
Lưu ý khi đăng ký nguyện vọng Quan sát xu hướng TS đăng ký vào trường mình hiện nay, tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhận thấy có một số vấn đề dù không phổ biến nhưng cũng đáng để TS lưu tâm. Thứ nhất là có TS đăng ký quá nhiều ngành khác nhau. Thứ hai là các TS chưa sắp xếp thứ tự NV, có thể bị nhầm lẫn các mã phương thức tuyển sinh. “Thứ ba, với khối ngành sức khỏe, các em để NV 1 nhưng điểm lại dưới điểm sàn, như thế chắc chắn không trúng tuyển. Các em nên dành thời gian kiểm tra, điều chỉnh lại việc đăng ký”, ông Lưu nói.
Đừng để “nước đến cổ mới nhảy” Tới nay nhiều TS vẫn chưa đăng ký NV lên hệ thống với lý do chủ yếu là chưa xác định được ngành, trường yêu thích nên cần suy nghĩ tiếp. Hoặc có những trường hợp TS đã trúng tuyển sớm vào nhiều trường nhưng chưa biết chọn NV 1 nào. Ông Võ Ngọc Nhơn cho rằng đến giờ này vẫn loay hoay câu chuyện hướng nghiệp, chưa biết mình sẽ làm gì trong tương lai có thể gọi là trễ, là “nước đến cổ mới nhảy”. Tuy nhiên theo ông, “còn nước còn tát”. Có nhiều trường ĐH đào tạo chung một nhóm ngành, chỉ khác biệt định hướng, các môn học, các dịch vụ chăm sóc sinh viên… “Sự thông minh khi đăng ký NV là phải phù hợp nhất với mình”, ông Nhơn nói. Ở góc độ khác, ông Cao Quảng Tư cho rằng việc đến giờ vẫn băn khoăn chọn ngành cũng hết sức bình thường. Vì “thà băn khoăn còn hơn không lo lắng gì”. Và quan trọng nhất là mỗi TS cần có chính kiến, luôn chủ động, cần những phương án dự phòng. Đừng để việc chọn công việc tương lai như bốc thăm, chơi xổ số hay nghe bạn nói lại đổi chọn ngành khác. “Thời điểm này TS hoang mang lo lắng cũng là bình thường vì các bạn đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời. Và có những sinh viên vào giảng đường ĐH vẫn hát Hoang mang của Hồ Quỳnh Hương, hay tốt nghiệp sau 4 năm vẫn hát Không lối thoát. Trên giảng đường ĐH, cũng có người không hòa nhập được, bị bỏ lại phía sau. Điều bạn cần là phải tự mình xây dựng hành trình nghề nghiệp tương lai cho mình”, ông Tư chia sẻ. Tiến sĩ Trần Thiện Lưu: “Nếu giờ này các em vẫn băn khoăn chưa biết đăng ký ngành gì thì nên tham khảo ý kiến người thân, bạn bè. Các em không còn nhiều thời gian. Chúng ta không ai muốn chọn sai, nhưng nếu chưa có lựa chọn nào khác thì hãy nỗ lực cho những gì mình chọn ngày hôm nay. Đôi khi ta thành công từ cái ngành mình đang theo đuổi”. Tiến sĩ Võ Thanh Hải: “Các em nên bắt đầu rà soát và đăng ký NV từ đây đến 17.8. Từ 21 - 28.8, tất cả TS đã đăng ký NV trên hệ thống thì phải sắp xếp lại các NV và nộp lệ phí xét tuyển”. Ông Võ Ngọc Nhơn: “Đăng ký chưa phải là đã xong, các em phải thực hiện lưu thông tin, rồi xác nhận đăng ký (thực hiện tin nhắn trên điện thoại để nhận mã OTP) và sau đó thử thoát ra đăng nhập lại để xem NV đăng ký đã được lưu chưa”. Thạc sĩ Cao Quảng Tư: “Đăng ký NV xong cũng phải nhớ nộp lệ phí. TS cũng đừng quá trông chờ vào xét tuyển NV bổ sung, vì xét tuyển năm nay trễ, và cũng không nhiều”. Theo Báo Thanh Niên |