Tin tức

Năm 2022: 8 trường khối Công An sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đại học

Theo đại diện Cục Đào tạo, Bộ Công an, năm 2022, 8 trường, học viện ngành công an sẽ áp dụng 3 phương thức tuyển sinh, trong đó có phương thức kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả bài thi đánh giá do Bộ Công an tổ chức. Tối 20-2, đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn - chuyên viên chính Cục Đào tạo, Bộ Công an - cho biết năm 2022, 8 trường, học viện trong khối ngành công an sẽ áp dụng 3 phương thức tuyển sinh: tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (quy định như năm 2021) và kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả bài thi đánh giá  do Bộ Công an tổ chức. "Với phương thức kết hợp 2 kết quả thi, sẽ tính theo tỉ lệ 60% là kết quả bài đánh giá, 40% kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nội dung bài thi đánh giá do Bộ Công an tổ chức, ngoài việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng trong chương trình phổ thông thí sinh đã học thì sẽ có các nội dung kiểm tra về tư duy logic, khả năng phán đoán, xử lý tình huống, gắn với yêu cầu đào tạo đặc thù của ngành công an", ông Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết. Theo ông Tuấn, bài thi đánh giá của Bộ Công an được tổ chức thi trong 1 buổi, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, với hai phần trắc nghiệm và tự luận. Phần trắc nghiệm có nội dung tương ứng với môn học theo tổ hợp xét tuyển và trắc nghiệm kiểm tra tư duy logic, các năng lực cần thiết với ngành công an. Phần tự luận là phần kiểm tra kiến thức môn văn học, toán học.Ông Tuấn cũng cho biết tuyển sinh công an năm 2022 có một số điều chỉnh. Cụ thể sẽ điều chỉnh quy định về chiều cao đối với thí sinh nam, tăng từ 1m62 lên 1m64, quy định với nữ giữ nguyên là 1m58. Riêng với thí sinh người dân tộc thiểu số quy định chiều cao là 1m62 với nam và 1m56 với nữ.Ông Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết khoảng tháng 3-2022, Bộ Công an sẽ thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, học viện trong ngành công an và thông tin cụ thể hơn về bài thi đánh giá. Trong khi đó, tại buổi tư vấn trực tuyến, đại diện cho Ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng, đại tá Vũ Xuân Tiến cho biết quy định tuyển sinh quân đội năm 2022 về cơ bản vẫn giữ nguyên như năm 2021.

Chi tiết về bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an

Bài thi đánh giá năng lực xét tuyển vào các trường Công an như thế nào? Cụ thể, Bộ Công an dự kiến sẽ tổ chức bài thi đánh giá năng lực ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT. Bài thi này sẽ có cấu trúc 2 phần gồm phần trắc nghiệm và phần tự luận. Phần trắc nghiệm thi đánh giá năng lực vào các trường công an bao gồm: Kiến thức về khoa học tự nhiên, kiến thức xã hội, ngoại ngữ phù hợp với tổ hợp đăng ký xét tuyển vào các học viện, trường công an; tập trung kiểm tra kiến thức trong chương trình THPT hiện hành, độ khó cao hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT để tăng khả năng phân loại thí sinh; phần tư duy logic tập trung kiểm tra các kỹ năng ghi nhớ, phán đoán, suy luận, đánh giá, nhận xét của thí sinh phù hợp với lĩnh vực công tác công an.Ở phần tự luận, thí sinh sẽ được lựa chọn một trong hai nội dung là Văn học, nghị luận xã hội hoặc giải toán. Tổng thời gian làm bài thi đánh giá năng lực vào các trường công an là 180 phút, trong đó phần trắc nghiệm chiếm 90 phút, phần tự luận 90 phút. Đề thi minh họa sẽ được Bộ Công an công bố công khai cho thí sinh và xã hội biết trong thời gian tới. Năm 2022, các học viện, trường công an sẽ xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT với bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an (Ảnh minh họa). Cách tính điểm xét tuyển các trường công an năm 2022Với phương thức này, kết quả bài thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT sẽ chiếm 40% tổng điểm xét tuyển; kết quả bài thi đánh giá năng lực chiếm 60% tổng điểm xét tuyển. Điểm trên được quy về thang điểm phù hợp theo quy định của Bộ GD-ĐT, cộng với điểm ưu tiên khu vực, đối tượng theo quy định của Bộ GD-ĐT và Bộ Công an.Trong trường hợp do dịch bệnh, không tổ chức được bài thi đánh giá năng lực, điểm xét tuyển được thực hiện như năm 2021, trong đó kết quả học bạ THPT chiếm 25% tổng điểm xét tuyển; kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT chiếm 75% tổng điểm xét tuyển.Trường hợp do dịch bệnh, không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, không tổ chức bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an, các trường sẽ sử dụng kết quả học bạ THPT làm điểm xét tuyển tương tự như xét tuyển các thí sinh được đặc cách tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh xét tuyển trong năm 2021. Thí sinh phải kiểm tra thể lựcVề công tác sơ tuyển vào các trường công an năm 2022, Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết, các thí sinh sẽ được kiểm tra các tiêu chuẩn theo quy định về tuyển sinh vào lực lượng công an nhân dân. Đơn vị sơ tuyển sẽ kiểm tra thông tin cá nhân, học lực, hạnh kiểm tại học bạ, phẩm chất đạo đức, quá trình công tác, kiểm tra sức khỏe, thẩm tra, xác minh, kết luận tiêu chuẩn chính trị.Ngoài ra, thí sinh phải được kiểm tra khả năng vận động thông qua việc lựa chọn 2 trong số các nội dung rèn luyện thể lực gồm: chạy 100m, chạy 1500m (đối với nam), chạy 800m (đối với nữ), bật xa tại chỗ, co tay xà đơn. Việc kiểm tra này chỉ tính đạt hoặc không đạt.Tại thời điểm kiểm tra, thí sinh vì lý do đau ốm, chữa bệnh không thể kiểm tra được, công an nơi sơ tuyển cho thí sinh được kiểm tra vào một buổi khác trước thời điểm gửi hồ sơ xét tuyển về các học viện, trường đại học công an nhân dân.

Chàng lính nghĩa vụ công an đã lập gia đình, quyết tâm ôn thi và đỗ Thủ khoa toàn khóa

Nguyễn Văn Sỹ, học sinh lớp Ngữ văn cô Minh Hương, Lịch sử cô Lan Hương và Địa lí thầy Tùng, là Thủ khoa khối C00 khóa Nghĩa vụ Công an 2020 của tỉnh Hà Nam.Sỹ từng tốt nghiệp Đại học. Trước khi đi nghĩa vụ, rất nhiều người ngăn cản, chỉ gia đình ủng hộ. Cuối năm 2019, Sỹ lập gia đình, đến đầu năm 2020 tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân.Nguyễn Văn Sỹ và con gái“Ban đầu, em nghĩ chỉ tham gia Nghĩa vụ Công an cho xong nhiệm vụ. Nhưng vào đây, em bén duyên với ngành, thấy mọi sự nỗ lực trong ngành đều được đền đáp xứng đáng. Sau khi về đơn vị em bắt đầu ôn thi, cũng từng có thời gian chán nản vì mất hoàn toàn kiến thức gốc, nhưng nhờ sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị, chỉ huy tạo điều kiện giúp đỡ.”, Sỹ chia sẻ.Khi ấy, vào tháng 3 năm 2021, Sỹ bắt đầu học lại Lịch sử, khoảng thời gian này rất vất vả, “em ghi chép không thiếu một chữ nào, có những ngày ngồi từ sáng đến tận đêm khuya”. Nhiều khi em đang học có chuông báo động cháy đành bỏ đó để hoàn thành nhiệm vụ.Chưa đầy hai tháng trước khi thi, Sỹ bắt đầu tập trung ôn Ngữ văn và Địa lí. Có ngày chỉ ngủ ba tiếng với quyết tâm cao nhất. Thời gian này, em vẫn hoàn thành nhiệm vụ kép: vừa học tập vừa thường trực sẵn sàng chiến đấu. Trước ngày đi thi tốt nghiệp THPT, em vẫn tranh thủ phụ giúp gia đình.Sỹ trong lúc làm nhiệm vụ với những người đồng đội.Cuối cùng, Sỹ trở thành Thủ khoa khối C00 khóa Nghĩa vụ Công an 2020 của tỉnh Hà Nam. Để đạt được thành tích như vậy, bên cạnh sự quyết tâm cao độ, em cũng nhận được sự động viên rất lớn từ các thầy cô của AT School và gia đình.Chúc mừng Nguyễn Văn Sỹ - cậu học trò giàu ý chí và nghị lực. Chúc em gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong tương lai!

Muốn giành điểm cao môn Văn, 2k4 cần "nằm lòng" những kinh nghiệm này của cô Minh Hương

Chắc hẳn nhiều bạn sợ Văn, ghét Văn. Tuy nhiên, để tiếp thu kiến thức, việc tự tạo cho mình niềm yêu thích với môn Văn là điều rất cần thiết. Em hãy thử hóa thân vào nhân vật chính trong tác phẩm, coi đó như là những thước phim sống động và cảm nhận chúng bằng xúc cảm riêng của mình. Điều đó sẽ giúp em yêu thích môn Văn hơn bao giờ hết! RÈN KĨ NĂNG VIẾT HÀNG NGÀYKhi đã nắm vững các nội dung kiến thức, em phải tập trung viết, viết và viết. Điều này giúp em củng cố kiến thức, luyện cách trình bày bài làm trong khoảng thời gian quy định. Sau khi viết xong, em có thể nhờ thầy cô nhận xét, góp ý và chỉnh sửa bài. Quá trình tự luyện tập rất cần thiết, nó sẽ giúp em viết càng ngày càng “lên tay” đó! TỰ LUYỆN ĐỀ THI NHỮNG NĂM TRƯỚCCác em nên tham khảo đề thi, đáp án, thang điểm chính thức của các đề thi môn Văn từ những năm trước của Bộ GD&ĐT. Khi xem đề thi cần nên chú ý thang điểm cho mỗi câu để từ đó các bạn phân bổ thời gian hợp lí để hoàn thiện bài thi nhanh chóng, đầy đủ nhất. Ngoài ra, cần tìm hiểu các ý chính cần nên có mà các đề năm trước Bộ đã ra để định hướng ôn tập dễ dàng hơn. BÀI VIẾT MẠCH LẠC, KHÔNG LAN MANBài viết cần có bố cục rõ ràng, diễn đạt mạch lạc. Không viết dài, viết dai, viết dại! Không lan man mà phải đi đúng vấn đề chính. Hơn nữa, bài viết nên chia nhỏ ra làm nhiều đoạn, mỗi đoạn có một luận điểm chính đặt ở đầu đoạn (theo lỗi diễn dịch) hoặc ở cuối đoạn (theo lối quy nạp) bởi nhiều giáo viên chấm bài đôi khi chỉ chú ý đến câu đầu và cuối mỗi đoạn văn. KHÔNG HỌC TỦBỏ ngay suy nghĩ đề thi năm ngoái đã ra bài này rồi thì chắc năm nay sẽ không ra lại. Quá chủ quan và sai lầm! Hoặc trong quá trình ôn tập có một số tác phẩm "khó nuốt" nên không ôn tập... Như vậy là rất nguy hiểm! Đề thi môn Ngữ văn hiện nay chủ yếu kiểm tra kiến thức, năng lực tổng quát trên nhiều phương diện, đồng thời cũng kiểm tra các kĩ năng như phân tích, đánh giá, cảm nhận, so sánh. Vì vậy, không nên học tủ mà hãy cố gắng ôn tập hết tất cả các nội dung kiến thức một cách toàn diện và chuyên sâu. SÁNG TẠO TRONG BÀI LÀMSự sáng tạo rất dễ "hạ gục" giám khảo và đạt điểm cao. Có nhiều cách sáng tạo bài viết: đưa những nhận định “đắt giá”, đan cài kiến thức lí luận văn học, ngôn từ giàu hình ảnh, dẫn chứng sinh động,… Để làm được điều đó thì các em cần đọc nhiều, viết nhiều, quan sát nhiều và tư duy nhiều! CHỌN THỜI ĐIỂM VÀ KHÔNG GIAN PHÙ HỢPHọc vào buổi sáng là tốt nhất, giúp nhớ lâu hơn kiến thức. Tuyệt đối không nên thức khuya quá nhiều, đặc biệt là trước những ngày thi chính thức. Hơn nữa, em cần một không gian yên tĩnh, hạn chế tối đa sự ồn ào để tập trung học. CHỌN GIÁO VIÊN VÀ ĐỌC THÊM SÁCHNgoài việc tự học, em nên học hỏi từ những thầy cô dạy Văn giàu kinh nghiệm. Chính các thầy cô sẽ định hướng cho các em về lộ trình học, cung cấp kiến thức, trau dồi kĩ năng và mẹo “ăn điểm” môn Văn. Bên cạnh đó, em cần tìm một vài cuốn sách, tài liệu tham khảo để đọc, tuy nhiên, không nên lạm dụng quá nhiều tài liệu sẽ mất đi tính hiệu quả.Một trong những giải pháp luyện thi hiệu quả dành cho 2k4, đó chính là khóa học Tổng ôn chuyên sâu Ngữ văn. Khóa học được thiết kế bao quát toàn bộ kiến thức Ngữ văn 12, rèn luyện kĩ năng làm bài với mọi dạng đề, có giáo viên trợ giảng chấm-chữa bài, tặng kèm sách ôn thi do cô Minh Hương biên soạn. Chúc các em thành công! Cô Ngô Minh Hương - Giáo viên Ngữ văn tại AT School

Thầy giáo trẻ và hành trình truyền khát khao, đam mê

Mỗi công việc đều cố gắng làm tốt Sinh ra ở ngoại thành Hà Nội, từ nhỏ Tùng đã chịu khó học tập và ý thức được việc học sẽ đem lại được những thay đổi tích cực cho bản thân, để từ đó Tùng luôn nỗ lực vươn lên mọi nơi, mọi lúc. Vừa học tập, vừa phụ giúp các công việc của gia đình, tham gia hoạt động xã hội đoàn thể, công việc nào, nhiệm vụ nào Tùng cũng đều cố gắng hoàn thành tốt. Trong những năm học đại học, Tùng là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn sôi nổi được “thầy yêu, bạn mến”. Tùng đã nhận được Bằng khen của TW Đoàn TNCS HCM dành cho tình nguyện viên có thành tích xuất sắc tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132, đạt Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2017 do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trao tặng và nhiều bằng khen, giấy khen khác.Năm 2016, Tùng cùng một nhóm sinh viên tham gia chương trình “Siêu thủ lĩnh - Biến bãi rác thành vườn hoa”. Tại đây, Tùng đã thể hiện vai trò một người thủ lĩnh, Tùng trăn trở, lên ý tưởng, lên kế hoạch, xây dựng nhóm “Sen trong phố” để tổ chức triển khai thực hiện biến các bãi rác ở các khu dân cư gây mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị thành các góc nhỏ, các vườn hoa đầy màu sắc, đầy sáng tạo. Với dự án này, Tùng và nhóm của mình đã cải tạo được hơn 10 bãi rác thành những vườn hoa, và thành quả của dự án đã được chính quyền, đoàn thể và nhiều cộng đồng dân cư ghi nhận.Tùng cho rằng, muốn các hoạt động cho cộng đồng bền vững thì phải luôn xuất phát từ cái tâm của bản thân muốn giúp đỡ cho xã hội, phải là điều thôi thúc từ bên trong, và không nên tính toán quá, bởi “nếu như vô tư với cuộc đời cuộc đời sẽ vô tư lại”, Tùng chia sẻ. Đam mê với dạy học trực tuyếnNói về niềm đam mê dạy học, Tùng say sưa chia sẻ anh bắt đầu dạy học từ năm 2013, sau khi thi đỗ đại học và chuẩn bị chờ nhập học. Với ý tưởng ban đầu là giúp các em trong làng, trong xóm, con cái của chú bác họ hàng, nơi gia đình Tùng sinh sống, đạt kết quả tốt trong học tập và thi cử.  Lúc ban đầu Tùng chỉ dạy nhóm học sinh gồm 3 - 5 em. Với vốn kiến thức Địa lí được tích luỹ từ khi còn ôn thi đại học (Tùng là thủ khoa đầu vào Khoa Tuyên tuyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2013), Tùng đã dành thời gian, tâm trí và đam mê để biên soạn giáo án, bài giảng ôn thi môn Địa lí một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để truyền thụ cho các em. Niềm đam mê học môn Địa của các học sinh, làm Tùng càng thấy có duyên và hợp với nghề dạy học. Rồi khoá này nối tiếp khoá kia, học sinh học lớp thầy Tùng Địa lí ngày càng đông, nhiều em đã đạt số điểm cao môn Địa lí trong các kì thi THPT quốc gia và thi đại học khiến danh tiếng của Thầy Tùng Địa lí ngày một bay cao và xa vượt qua cả phạm vi thành phố nơi Tùng sinh sống.Với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân sau một thời gian, Tùng đã tự tin sáng lập và quản lý dự án "Địa lí AT", chuỗi lớp học luyện thi THPT quốc gia môn Địa lí với nhiều khóa học: Cao thủ biểu đồ; Atlat trong tầm tay; Mỗi ngày 1 điểm; Chuyên sâu...; tác giả cuốn sách “Xử lí nhanh trắc nghiệm Địa lí thi THPT quốc gia”. Năm 2018, Tùng bắt đầu dạy học trực tuyến qua livestream Facebook và trên Youtube. Đến nay, số lượng học sinh học trực tuyến ở lớp thầy Tùng đã lên đến con số hàng nghìn, thuộc khắp mọi miền tổ quốc, thậm chí có những giáo viên phổ thông cũng tham gia học tập, trau dồi thêm kỹ năng từ lớp thầy Tùng.Khi được hỏi về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình dạy học trực tuyến, Tùng cười và nói: Khó khăn hay thuận lợi đều ở cách mình nhìn nhận vấn đề, phân tích và ngẫm nghĩ để làm sao tận dụng tối đa được những ưu thế, phát huy được những thuận lợi, đồng thời chuyển hoá những khó khăn, xem khó như thế nào rồi mình nghiên cứu, tìm cách giải quyết. Quan trọng nhất là lúc nào mình cũng lạc quan, làm chủ công việc, biến công việc thành niềm vui chứ không phải áp lực và tiêu cực. Thuận lợi của Tùng là được học sinh yêu mến, tin tưởng, dành những tình cảm hết sức trân trọng, do vậy, Tùng luôn cảm thấy có thật nhiều niềm vui và hạnh phúc. Có gia đình cả hai anh em đều theo học thầy Tùng. Anh học khoá trước ôn thi đỗ đại học, rồi đến em học khoá sau lại cũng theo học mình. Đó là niềm vui, niềm trân quý của nghề dạy học.Khó khăn của việc dạy học trực tuyến là ban đầu Tùng chưa có nhiều kĩ năng cũng như kinh nghiệm, do vậy, Tùng tham gia các khoá học online để củng cố kĩ năng dạy học trực tuyến và thực hành để sử dụng thành thạo kĩ thuật - công nghệ dạy học. Việc dạy và học trực tuyến thì không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, nên những học sinh của Thầy Tùng có thể đến từ những vùng miền, những địa phương khắp các nơi trên cả nước.Với đặc thù của môn Địa lí, một bộ môn vừa tự nhiên vừa xã hội, khi phân tích điều kiện đất đai, địa hình, khí hậu, văn hoá, bản sắc, đặc trưng kinh tế - xã hội… các vùng miền thì không được phép sơ sài, đại khái; do vậy, với trách nhiệm và tâm tư của một người thầy tâm huyết với nghề, Tùng liên tục trau dồi và cập nhật kiến thức để xây dựng các bài giảng với nội dung hấp dẫn, phong phú và sinh động”. Do vậy, các khóa học của thầy Tùng đã đào tạo nhiều đối tượng khác nhau với cách dạy gần gũi, phân tích và đưa ra các ví dụ minh hoạ, liên tưởng đến các vấn đề thực tế giúp mọi người có thể hiểu hơn về cuộc sống, chứ không chỉ đơn giản là những kiến thức Địa lí khô khan.Với khối lượng công việc dày đặc mỗi ngày, chắc hẳn những người bình thường sẽ cảm thấy rất căng thẳng và áp lực, nhưng với chàng trai trẻ này thì không, Đàm Tùng cho rằng, quan trọng là mình là một người biết sắp xếp công việc trong một ngày sao cho hợp lý. Dù nhiều việc nhưng Tùng vẫn có thời gian rảnh để nghỉ ngơi, thư giãn và đi chơi với bạn bè. Tùng tự nhận xét: “Mình luôn luôn cảm thấy lạc quan và yêu đời lắm, ngay cả khi trước mắt là áp lực công việc đè nặng”. Quỹ học bổng AT FoundationHào hứng nói về những đam mê, dự định, những việc đã và đang thực hiện, Tùng không khỏi tự hào khi nói về quỹ học bổng do mình và các thầy cô cùng xây dựng, mục đích để hỗ trợ những em học sinh muốn học tập nhưng gặp khó khăn về tài chính. Học sinh có nhu cầu được hỗ trợ sẽ điền thông tin vào một lá đơn trực tuyến nêu rõ hoàn cảnh và lí do xin hỗ trợ. Ở đây, Tùng không cố định cụ thể con số hay một chuẩn mực nào đó về việc miễn/ giảm học phí. Mà con số xin miễn giảm ở đây sẽ do chính học sinh đó tự đề xuất. Tùng chia sẻ rằng việc hỗ trợ một mức nào đó cho những em học sinh khó khăn là hoàn toàn nằm trong khả năng của mình, Tùng có thể hỗ trợ tối đa 100% nếu các bạn đó thực sự rất khó khăn. Tuy nhiên, Tùng muốn các bạn làm đơn tự đề xuất con số xin hỗ trợ để các bạn tự ý thức hơn về việc học, không phải là cho ai mà là cho chính các bạn, chứ không phải học vì bố mẹ hay vì ai khác. Tùng muốn gửi thông điệp tới các bạn học sinh rằng các bạn hãy cố gắng đi, thành công đi, sau này bất cứ khi nào hoàn trả số tiền đó cũng được, có thể 5 năm, 10 năm hay 50 năm thậm chí còn lâu hơn nữa, chỉ mong các bạn cố gắng không ngừng, không bao giờ được nhụt chí trong học tập.Chia sẻ thêm về dự định tương lai, Tùng nhận thấy rằng bản thân rất hợp và có duyên với lĩnh vực giáo dục và  đào tạo, Tùng đang từng bước đặt ra những mục tiêu, định hướng theo đuổi lĩnh vực này. Tùng đã và đang chuẩn bị các điều kiện để mở một trung tâm đào tạo kĩ năng, trong đó bao gồm các kĩ năng cần thiết về ứng xử, giao tiếp, kĩ năng thuyết trình, hùng biện, kĩ năng xử lí khủng hoảng, kĩ năng thích ứng linh hoạt trong mọi tình huống, hành trang khởi nghiệp và tự lập cho các bạn trẻ… Xa hơn, ước mơ của Tùng là mở một trường học trực tuyến, nơi Tùng có thể thoả mãn đam mê với những mục tiêu giáo dục nhân văn, đào tạo tri thức, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong giáo dục và xây dựng cộng đồng giáo dục lành mạnh, tiến bộ và vì người học.Trong mọi hoàn cảnh, mọi công việc, Tùng luôn nỗ lực để cháy hết mình với khát khao và đam mê của mình đồng thời lan toả khát khao, đam mê đó tới những người xung quanh, tới bạn bè, tới học trò. Hi vọng rằng những ước mơ và dự định tương lai của Tùng sẽ được thực hiện trong thời gian gần nhất.Nguồn: Tạp chí Người Làm Báo.