Tác động của thủy điện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường ở Trung du miền núi Bắc Bộ

Tác động của thủy điện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường ở Trung du miền núi Bắc Bộ

Theo tính toán lý thuyết, tổng công suất thủy điện của nước ta vào khoảng 35.000MW, trong đó 60% tập trung tại miền Bắc, 27% phân bố ở miền Trung và 13% thuộc khu vực miền Nam. Tiềm năng kỹ thuật (tiềm năng có thể khai thác khả thi) vào khoảng 26.000 MW, hàng năm có thể sản xuất hơn 100 tỷ kWh.

Tiềm năng thủy điện tập trung lớn nhất ở hệ thống sông Hồng thuộc vùng trung du và miền núi Bắc bộ (chiếm 1/3 trữ năng thủy điện cả nước).Tại đây, nhiều nhà máy thủy điện lớn của Việt Nam được đưa vào vận hành như: Sơn La (2400 MW), Hòa Bình(1920 MW),…Việc phát triển thủy điện đã có những tác động lớn đến kinh tế – xã hội và môi trường. Hôm nay, mời các em tìm hiểu cùng thầy Tùng.

Thứ nhất, về kinh tế:

-Tạo động lực cho sự phát triển của vùng, nhất là việc khai thác và chế biến khoáng sản trên cơ sở nguồn điện rẻ và dồi dào.

– Cung cấp phần lớn điện năng cho khu vực phía Bắc. Thông qua đường dây tải điện 500 KV nối từ Hòa Bình tới Phú Lâm (TP Hồ Chí Minh), các nhà máy thủy điện ở vùng có thể giải quyết một phần điện năng cho khu vực phía Nam.

– Các hồ thủy điện có thể kết hợp để phát triển nuôi trồng thủy sản.Như hồ thủy điện Tuyên Quang, với diện tích mặt nước 8.000ha, là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình nuôi cá lồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

– Du lịch tại các hồ thủy điện. Các hồ thủy điện tập trung ở miền núi, nơi có khí hậu mát mẻ, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú nên có thể kết hợp để phát triển các hoạt động du lịch.

Thứ hai, về xã hội:

– Cải thiện cơ sở hạ tầng: Khai phóng tiềm năng thủy điện sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho địa phương. Thông qua việc phát triển thủy điện, kết cấu hạ tầng khu vực cũng sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ,hiện đại với tốc độ nhanh hơn.

– Thay đổi đời sống của dân cư của vùng, nguồn thu từ thủy điện có thể hỗ trợ các chính sách xóa đói giảm nghèo cho người dân bị ảnh hưởng và cộng đồng dân cư nói chung.

– Khi xây dựng thủy điện, một bộ phận dân cư phải di dời,tái định cư, điều này có thể ảnh hưởng tới cuộc sống, giá trị văn hóa tại địa phương. Theo thống kê, đối với dự án thủy điện lớn và vừa số hộ dân phải di dời bình quân là 3.296 hộ dân/1MW, còn đối với dự án thủy điện nhỏ là 0,16 hộ dân/1MW.

Thứ ba, về môi trường:

– Tác dụng điều tiết nước: Các hồ thủy điện còn có vai trò trong điều tiết dòng chảy, làm giảm dòng chảy mùa lũ và tăng dòng chảy mùa kiệt. Trước khi có hồ chứa nước Hòa Bình (trên sông Đà), cứ tháng 5 tháng 6 hàng năm, các tỉnh phía hạ du, đặc biệt Hà Nội đã phải lo chống lũ. Khi có hồ chứa nước thủy điện Hòa Bình thì tình hình lũ lụt phía hạ du gần như được loại trừ. Các hồ chứa nước có thể cung cấp nước cho hạ lưu vào mùa kiệt nhằm đảm bảo sinh hoạt và sản xuất.

– Tuy nhiên, khi xây dựng các công trình thủy điện, cần chú ý đến những thay đổi không nhỏ của môi trường, điển hình như:

Thu hẹp diện tích rừng: Các dự án thủy điện thường nằm ở những vùng rừng núi nên khi xây dựng cần phải khai quang một diện tích lớn để xây các công trình như: đường sá, đập, nhà máy,đường dây dẫn điện… Theo các chuyên gia, để tạo 1MW công suất thủy điện, phải mất đi từ 10-30 ha rừng, và để có 1.000 ha hồ chứa nước cũng cần san phẳng, giải phóng từ1.000-2.000 ha đất ở phía thượng nguồn.

Thay đổi dòng chảy: Việc xây dựng đập làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông, được coi là nguyên nhân làm sụt giảm nghiêm trọng nguồn thủy sản.

Tài liệu tham khảo:

1.Tổng quan lợi ích và tác động của thủy điện,TS.Phạm Thị Thu Hà, Đại học Bách khoa Hà Nội.

2.Phát triển thủy điện ở Việt Nam: tiềm năng và thách thức, TS.Đặng Đình Thống.

3.Khai thác, sử dụng nguồn thủy điện Việt Nam, Tô Quốc Trụ, Hội đồng phản biện tạp chí Năng lượng Việt Nam.

________________________________________

Kết nối với thầy Tùng qua:

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận