Ba mảnh đời trong một mái nhà: Giá trị nhân đạo trong Vợ nhặt

Ba mảnh đời trong một mái nhà: Giá trị nhân đạo trong Vợ nhặt

BA MẢNH ĐỜI TRONG MỘT MÁI NHÀ: GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO TRONG VỢ NHẶT

 

Giá trị nhân đạo của Vợ nhặt trước hết được thể hiện qua bức tranh hiện thực của xã hội Việt Nam trước cách mạng.

 

“Vợ nhặt” lấy bối cảnh từ nạn đói năm 1945 đã đi vào lịch sử như một vành khăn tang cướp đi mạng sống của hơn hai triệu đồng bào ta. Với cái nhìn hiện thực sắc sảo, Kim Lân đã vẽ lên bức tranh thê thảm về xã hội Việt Nam trước cách mạng, mà tiêu biểu là xóm ngụ cư. ở cái xóm Ngụ cư ấy “Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm cong queo trên đường. Không khí vẩn mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Có thể nói, cái đói, cái khát, cái chết đã len lỏi vào từng đường thôn, ngõ xóm, gõ cửa từng gia đình. Kim Lân đã đưa cuộc sống của người nông dân lao động trong thời kì đô hộ của thực dân và phát xít vào trang viết của mình như tất cả những gì tăm tối nhất. Người chết thì như ngả rạ, còn những người còn sống thì sống một cuộc sống lay lắt, vật vờ, thoi thóp, một cuộc sống không ra sống. Ở cái xóm ngụ cư ấy, người ta thấy những gia đình từ Nam Định, Thái Bình đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau nằm ngổn ngang khắp các lều chợ. “Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma”. Không cần một lời kết tội hùng biện, nhưng đọc những dòng văn của Kim lân ta thấy như một bản cáo trạng đanh thép tố cáo, vạch trần bản chất phi nhân tính của bè lũ cướp nước. Bao con người đã phải ra đi trong cái đói, cái khát. Nói đến nạn đói 1945, HCM trong Tuyên ngôn độc lập cũng đã từng nói “Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc kì, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”. Chỉ với vài dòng văn ngắn ngủi Kim Lân đã để lại trong lòng người đọc bao nỗi ngậm gùi, xót xa thương cảm với số phận của người dân lao động VN trước cách mạng tháng tám. Chỉ nói đến đây thôi cũng đủ cho thấy Vợ nhặt xứng đáng là một tác phẩm chân chính, tác phẩm chứa đựng nội dung nhân đạo sâu sắc.

 

Xây dựng tác phẩm, Kim Lân tập trung khắc hoạ ba mảnh đời trong một mái nhà: Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ. Việc đặt ba nhân vật này trong tình huống “nhặt vợ” của Tràng, nhà văn đã thể hiện rõ nét tính cách, phẩm chất của từng nhân vật. Và cũng từ đó toát lên tinh thần nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

 

Nhân vật trung tâm trong tác phẩm là Tràng, Tràng là một chàng thanh niên xấu xí, thô kệch, nghèo khổ nhưng lại giàu lòng nhân ái và khát khao hạnh phúc, có niềm tin vào tương lai. Sống trong cảnh đói khát, đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết vậy mà khi gặp người đàn bà trên tỉnh (sau này là vợ tràng), thấy chị ta gầy gò, tiều tuỵ vì đói, “Thị ta rách quá…chỉ còn thấy hai con mắt”. Chị ta lại cứ bám theo Tràng để nài nỉ xin ăn. Dù chẳng hơn gì chị, Tràng vẫn vui vẻ đãi chị ta ăn bánh đúc, để rồi chị ta ăn một chập bốn bát liền. Bốn bát bánh đúc không đáng là bao nhưng trong lúc đói khát này nó đã cứu sống được một con người. Tràng đã dành cho người đàn bà nghèo khổ ấy tình thương của một con người có cùng cảnh ngộ. Tình thương ấy mang đạo lí của con người Việt Nam “Bầu ơi …”, ở đây không phải là “Lá lành…” mà là “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Thật đúng là “Một miếng khi đói…”. Tình thương của Tràng, lòng tốt của Tràng thật đáng để nhà văn và chúng ta trân trọng. Xây dựng nhân vật Tràng, Kim Lân còn rất trân trọng những khát khao cháy bỏng của anh. Sau khi đợi người đàn bà ấy ăn xong, Tràng lại liều lĩnh bày tỏ ý muốn của mình “Này nói đùa chứ…”. Câu nói của Tràng gợi cho ta nhớ tới câu nói của Chí Phèo nói với thị Nở “Hay là mình sang đây…”. Đằng sau những câu nói tưởng như thô ráp ấy lại chứa đựng cả một nồi niềm khát khao cháy bỏng. Niềm khát khao hạnh phúc, khát khao có một mái ấm gia đình đã làm Tràng quên đi cái đói cái chết đang rình rập, quên cả những cái khó khăn đang chờ đợi trước mắt. Và thế là hai câu nói đùa với bốn bát bánh đúc đã xe duyên cho hp của Tràng. Hạnh phúc của những người nghèo đến với nhau thật giản dị, nhưng cũng thật lớn lao. Niềm vui, niềm hạnh phúc khi có vợ đã làm cho Tràng thay đổi.  Trên đường dẫn người vợ nhặt về nhà, giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói, vậy mà Tràng rất vui “Mặt hắn có vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”. Niềm vui có người vợ nhặt và niềm hạnh phúc đang trào dâng trong Tràng. Niềm vui ấy lớn lao tới mức, sáng hôm sau tỉnh dậy, Tràng vẫn ngỡ như không phải. Từ sự thay đổi trong tâm hồn, đã làm Tràng thay đổi trong nhận thức và trong suy nghĩ. Khi nhìn người mẹ đang lúi húi giẫy cỏ, nhìn vợ đang quét sân, cảnh tượng đơn giản, bình thường nhưng đã làm cho Tràng rất thấm thía và cảm động. Đây là sự cảm động chân thành, rất con người, rất tình người! Và cũng từ đó Tràng thấy “thương yêu, gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng  […] hắn thấy hắn phải có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này […] Hắn cũng muốn làm một cái gì đó để dự phần tu sửa lại căn nhà”. Có thể nói cái hạnh phúc với người đàn bà lạ kia và chính cái tình người của người mẹ, của người vợ nhặt đã phục sinh nhân cách cho Tràng, đã đưa Tràng từ cái vẻ ngây ngây dại dại, từ cái vẻ hoang dã, trở thành một con người rất yêu đời, yêu cuộc sống, muốn sống tốt đẹp hơn. Bữa cơm gia đình đầu tiên thật thảm hại: Chỉ có một nồi cháo loãng - cháo cám đắng chát, ít muối và nồi chè khoán, lại có cả âm thanh thúc thuế, làm cho Tràng cảm thấy một nỗi xót xa tủi hờn len vào trong tâm trí. Nhưng khi nghe người vợ kể chuyện những người đói Bắc Giang, Thái Nguyên đi phá kho thóc của Nhật, thì “Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện lên cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm”. Phải chăng màu đỏ của lá cờ mà nhà văn lại một lần nữa nhắc lại ở cuối tác phẩm, chính là ánh sáng của khát vọng tự do, khát vọng đổi đời đã cháy lên trong tâm hồn người thanh niên nghèo khổ ấy. Hình ảnh lá cờ vừa gieo vào lòng người đọc một niềm tin vào tương lai tươi sáng, vừa thể hiện bản chất của con người- dù trong lao khổ, con người vẫn luôn lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống và khát vọng vươn lên một cuộc sống tốt đẹp hơn. Khác với một số tác phẩm văn học hiện thực phê phán trước kia … chiều sâu nhân đạo trong tác phẩm của Kim Lân cũng chính là ở chỗ đó.

 

Nói đến giá trị nhân đạo của Vợ nhặt, không thể không nói đến người vợ nhặt của Tràng.

Đối với người con gái, sự nhẹ nhàng, tế nhị và thể diện con người là rất quan trọng. Gạt qua một bên lòng tự trọng và thể diện của người con gái, người đàn bà mà Tràng gặp trên tỉnh cứ bám riết lấy câu nói đùa của Tràng để nài nỉ xin ăn. Và khi được Tràng đãi ăn bánh đúc thì chị ta đã cúi đầu ăn một chặp 4 bát mà không một chút ngượng ngùng gì. Ăn xong chị ta lại bám theo câu nói của Tràng, theo Tràng về nhà làm người vợ nhặt. Thực ra không phải là chị ta không có thể diện, không có lòng tự trọng mà vì cái đói, vì được sống, được tồn tại mà chị ta đã bất chấp tất cả. Chính vì vậy, khi chỉ cần có một chút hơi thở của cuộc sống thì chi ta lại thay đổi hoàn toàn, lại trở về với những bản chất tốt đẹp vốn có của người con gái. Từ một người phụ nữ cong cớn, trơ trẽn, ăn nói chì chỏng lỏn đến với Tràng để kiếm chốn nương thân, để bấu víu khỏi chết đói, đến chỗ chị ta cư xử rất tế nhị, đúng mực với chồng và với mẹ chồng. Trên đường theo Tràng về nhà “Thị có vẻ rón rén, e thẹn”. Khi về đến nha Tràng, chị ta chỉ dám ngồi mớm vào mép giường và khi được mẹ chồng múc cho bát “chè khoán” thì chị ta đã “đón lấy cái bát”. Từ điệu bộ, cử chỉ của chị ta không còn có vẻ gì trơ trẽn, chỏng lỏn nữa. Hạnh phúc đã làm cho chị ta thay đổi. Sự thay đổi của chị ta làm cho Tràng cũng phải ngạc nhiên “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”. Không những thế, chị ta còn ý thức rất rõ trách nhiệm của mình với gia đình. Đêm tân hôn của chị với Tràng diễn ra trong cảnh… vậy mà sáng hôm sau chị ta đã dậy rất sớm, cũng mẹ chồng … để rồi làm cho Tràng khi tỉnh dậy thấy vô cũng cảm động. Xây dựng nhân vật người vợ nhặt, Kim Lân muốn gửi gắm đến người đọc một cái nhìn mới mẻ: ẩn sau vẻ bề ngoài xấu xí chị ta là một người phụ nữ có khát vọng, biết vượt lên hoàn cảnh để được sống, được hạnh phúc và được hi vọng.

 

Giá trị nhân đạo của tác phẩm được thể hiện rõ nhất thông qua nhân vật Bà cụ Tứ.

Qua cụ Tứ, tình người được hiện lên cảm động hơn, chân thực hơn và thể hiện sức tố cáo tuy gián tiếp nhưng cũng sâu sắc hơn. Trước hết, đây là một người mẹ nhất mực thương con. Khi biết Tràng con trai cụ đưa người vợ nhặt về nhà trong lúc đói khát cụ vô cùng ai oán, xót thương cho con trai. Cụ sót thương là bởi vì con trai cụ lấy vợ giữa lúc đói nên chẳng có gì: không lễ hỏi …Từ nỗi thương con, cụ Tứ tủi cho phận mình, cụ tự trách mình: “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái để mở mặt mày sau này. Còn mình thì…” Trách mình vì là mẹ mà không làm tròn bổn phận của người mẹ đối vời con. Cái nỗi buồn đó quá lớn khiến cho đôi mắt kèm nhèm ấy đã không cầm nổi hai hàng nước mắt. “trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai hàng nước mắt” Đó là những giọt nước mắt được chắt ra từ cay đắng trong nỗi lòng người mẹ nhất mực thương con. biết được những điều hay lẽ phải nhưng bất lực vì nghèo. Nếu không hiểu và có một niềm cảm thương sâu sắc với con người thì Kim Lân không thể có những trang viết cảm động đến như vậy. Tình thương con của cụ còn thể hiện ở ý thức trách nhiệm với cuộc sống của con. Mặc dù đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ diễn ra trong cảnh tượng thê thảm, nhưng sáng hôm sau cụ Tứ dậy rất sớm. Cụ cùng người con dâu dọn dẹp nhà cửa, sân vườn tươm tất, sạch sẽ. Khi Tràng tỉnh dậy đã thấy cụ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Hành động lúi húi dẫy những búi cỏ còn nham nhở đã mang ý nghĩa biểu tượng, hướng tới khát khao đổi đời. Bà không muốn số phận các con bà lại lặp lại như mình trước kia, bà muốn cuộc sống của con bà sáng sủa hơn, tốt đẹp hơn. Đáng trân trọng ở người mẹ nghèo này còn là cái tình người sâu nặng mà cụ dành cho người vợ nhặt của Tràng. Mặc dù cái đói đang hoành hành, cái chết đang rình rập vậy mà bà cụ vẫn chấp người đàn bà theo không con mình về làm vợ. Đây là sự chấp nhận đầy lòng nhân ái. Bà chấp nhận người vợ nhặt của Tràng giữa lúc này cũng có nghĩa là bà chấp nhận chia một phần khẩu phần ăn của mình cho người đàn bà xa lạ kia. Nghĩa là chấp nhận cái đói càng đói hơn, cái nghèo càng nghèo hơn. Đây là hành động sự cưu mang đầy lòng nhân ái trong đạo lí của con người Việt Nam. Không chỉ có vậy, tấm lòng nhân hậu của người mẹ nghèo còn tỏ ra hiểu và sâu sắc với nàng dâu. Bà coi chuyện Tràng nhặt được vợ là niềm hạnh phúc, là may mắn cho gia đình bà : “Người ta có gặp bước khó khắn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được”. Những suy nghĩ  ấy của bà mẹ rất cảm động vừa chất chứa niềm xót thương, vừa xao xuyến niềm vui. Tất cả điều đó đều có được từ một người mẹ bao dung độ lượng và nhân hậu, giàu lòng vị tha. Mặc dù trong lòng rất lo nhưng cụ đã nén nỗi lo của mình lại động viên các con Bữa cơm gia đình mới diễn ra thật thảm hại nhưng cụ Tứ và cả nhà vẫn ăn uống vui vẻ. Bà còn toàn nói những chuyện vui, toàn chuyện sung sướng sau này. Cụ đã gieo vào lòng con niềm tin ở tương lai. “Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời?Có ra rồi thì con cái chúng mày về sau”.

 

Như vậy, thông qua ba nhân vật: Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ, người đọc thấy được  tài năng độc đáo của Kim Lân trong việc xây dựng nhân vật. Kim Lân đã đặt họ trong mối quan hệ với nhau, giữa họ vừa là ân nhân lại vừa là gánh nặng cho nhau. Tràng lấy vợ là cưu mang cuộc sống của người phụ nữ cơ hàn. Người vợ nhặt lấy Tràng cũng là sự cưu mang cuộc sống tinh thần của Tràng, bởi vì nếu không có nạn đói này chắc gì Tràng đã có vợ. Bà cụ Tứ người được cả Tràng và người vợ nhặt của Tràng lo sợ, trông mong đã dễ dàng chấp nhận và thầm cảm ơn người đàn bà lạ lẫm đã tự nguyện làm dâu nhà mình. Mỗi nhân vật đều tự ý thức được bổn phận, trách nhiệm của mình. Kim Lân tỏ ra là người rất hiểu con người, hiểu cái niềm khao khát yêu thương và cái phần người tốt đẹp trong mỗi con người để mà tìm tòi, ngợi ca và trân trọng họ.

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận