Vẻ đẹp sông Hương - tài hoa phong cách kí Hoàng Phủ Ngọc Tường

Vẻ đẹp sông Hương - tài hoa phong cách kí Hoàng Phủ Ngọc Tường

VẺ ĐẸP SÔNG HƯƠNG - TÀI HOA PHONG CÁCH KÍ HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

 

ĐỀ BÀI:

Trong bài bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhiều lần ví von vẻ đẹp sông Hương:

Lúc ở thượng nguồn: “Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di- gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lý giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.”

Khi về ngoại vi thành phố Huế: “Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới gặp thành phố tương lai của nó.”

Và khi tạm biệt kinh thành Huế: sông Hương “như sực nhớ ra một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thực bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống với con người ở đây; và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả…”

(Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr 198-201)

Phân tích vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong những lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật nét tài hoa trong phong cách kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

 

BÀI LÀM:

“Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim và rồi từ hợp kim đó ta đánh “bông hồng vàng” của ta-truyện, tiểu thuyết hay là thơ… Nhưng cũng giống như bông hồng vàng của người thợ hót rác già kia làm ra là để cho Xuyzan được hạnh phúc, sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của trái đất…”. Bởi lẽ đó, văn học nghệ thuật ra đời mang theo sứ mệnh lưu giữ những nét đẹp của non nước, của con người, của vũ trụ mênh mông. Nét đẹp ấy mãi mãi xanh tươi với đời theo dòng chảy của thời gian để rồi qua từng thế hệ, nó vẫn đọng lại và vấn vương nơi thẳm sâu nhất của mỗi độc giả. “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là “bông hồng vàng” mà Hoàng Phủ Ngọc Tường dày công khắc họa vẻ đẹp thân thương thuộc về xứ Huế mộng mơ. Đến với bài kí, ta thấy được nét tài hoa trong phong cách kí của Hoàng Phủ khi đằm mình trong điệu hồn sông Hương khi ở thượng nguồn: “Giữa lòng Trường Sơn… trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”, khi về ngoại vi thành phố: “Phải nhiều thế kỉ qua đi… như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới gặp thành phố tương lai của nó” đến khi tạm biệt kinh thành Huế: sông Hương “như sực nhớ ra một điều gì chưa kịp nói… để nói một lời thề trước khi về biển cả…”

Nhắc đến Hoàng Phủ Ngọc Tường, ta sẽ nhớ ngay đến nhà văn của thiên nhiên, con người trên mọi nẻo đường của dải đất hình chữ S, nhưng có lẽ đặc biệt nhất vẫn là những trang văn viết về Huế mộng Huế mơ. Sở trường của Hoàng Phủ là thể loại tùy bút và bút kí. Mỗi sáng tác của ông đều là một sự sáng tạo, mang đậm một dấu triện riêng độc đáo, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trí tuệ và cảm xúc cùng lối viết văn tư duy đa chiều, vốn hiểu biết sâu rộng được tổng hợp từ nhiều lĩnh vực của đời sống. Tô Hoài từng nói: “Nếu có thể so sánh, thì tôi nghĩ rằng Sơn Nam thuộc đến từng ngõ ngách những sự tích xưa sau của Sài Gòn - Bến Nghé. Tôi thì nhớ được ít nhiều tên làng vùng Hà Nội. Hoàng Phủ Ngọc Tường thì trầm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời cùng với đất trời, sông nước xứ Huế”. Tất cả vẻ đẹp của thành phố Huế được nhà văn gói gọn trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

“Ai đã đặt tên cho dòng sông?” được nhà văn chấp bút tại Huế năm 1981 với niềm ấp ủ và tâm huyết mãnh liệt. Bằng một phong cách riêng vừa giàu trí tuệ lại giàu chất thơ cùng sự am hiểu sâu rộng kiến thức về địa lý, lịch sử, văn hóa, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dệt nên một bài kí đầy màu sắc sông nước với âm hưởng riêng vốn có của Huế, đặc tả hình ảnh thiên nhiên và thủy trình độc đáo của nó, mang trong mình dòng chảy lịch sử chứa đựng biết bao nét cổ kính nơi đây. Và có lẽ không lạ gì khi sông Hương trở thành: “một lời hứa mà chừng nào chưa thực hiện được thì lòng vẫn băn khoăn, day dứt khôn nguôi”.

Nói tới sông Hương của xứ Huế, người ta nghĩ ngay đến sự phẳng lặng, êm đềm nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường với mong muốn khám phá đã không ngừng lại để nhìn ngắm “khuôn mặt kinh thành” của sông Hương mà ngược dòng thời gian khám phá vẻ đẹp đầy bí ẩn và sức mạnh tiềm tàng được đóng kín trong “phần tâm hồn sâu thẳm của dòng sông”. Bằng những nét vẽ chân thực và một trái tim đa cảm, nhà văn đã dẫn dắt người đọc ngược xuôi qua từng chặng thủy trình của Hương giang từ “thượng nguồn” cho đến khi trở lại “ngoại vi thành phố Huế”. Ngay từ câu văn mở đầu, Hoàng Phủ đã tạo ra một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ vào tâm trí của người đọc về dòng Hương giang: “Trong những dòng sông đẹp ở các nước thì sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất”. Con sông vì thế mà mang trong mình những vẻ đẹp khác lạ, nó đã trở thành một tặng phẩm đầy giá trị mà tạo hóa đã hun đúc và ban cho thành phố Huế. Dòng sông ấy có lẽ sinh ra chỉ để dành riêng cho Huế và trở thành biểu tượng của thiên nhiên xứ Huế, cùng với vẻ “nghiêng nghiêng, trăng trắng hình vành lược” của cầu Tràng Tiền. Tất cả đã khiến mỗi du khách qua đây đều phải nhắm mắt trong yên tĩnh mà thưởng thức điệu trữ tình của dòng nước êm trôi lững lờ mang tên Hương giang.

Hương giang chính là linh hồn của Huế. Nếu không tìm hiểu kĩ về cội nguồn của sông Hương thì có lẽ ít ai biết rằng rừng già Trường Sơn chính là nơi khởi nguồn của Hương giang, chính rừng già đã khai sinh ra nó để nó bắt đầu một sự sống, một đời người. Nhà văn quan sát dòng chảy của Hương giang với điểm nhìn khởi đầu từ thượng nguồn giữa lòng Trường Sơn và nhận ra rằng sông Hương như “một bản trường ca của rừng già” mãnh liệt và dữ dội. Bên cạnh vẻ đẹp mạnh mẽ và phóng khoáng, sông Hương còn mang trong mình một vẻ đẹp dịu dàng và nữ tính. Nếu Nguyễn Tuân thấy sông Đà ngoằn ngoèo như một sợi dây thừng dài, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc thì trong ánh nhìn của Hoàng Phủ, Hương giang là “những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”, thật thi vị và thơ mộng làm sao!

Bản trường ca của rừng già quả thực mãnh liệt và giàu sức sống đến nỗi nhà viết kí đã khai phóng trí tưởng tượng của mình, nhân cách hóa Hương giang như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Đó là những cô gái Bô-hê-miêng sống trên thảo nguyên xanh, trên những cánh đồng bạt ngàn cỏ. Vẻ đẹp độc đáo ấy được là phá vỡ mọi khuôn thước, mọi giới hạn. Sự phá cách đã đem tới cho Hương giang một nét đẹp riêng biệt. Bằng cách ví von đầy thú vị, Hoàng Phủ gợi ta liên tưởng tới hình ảnh con sông Hương ở đoạn thượng nguồn với phần đời vô cùng mạnh mẽ và quyết liệt. Dòng chảy cuộn xoáy và dâng trào, đã sống hết mình cho tuổi thanh xuân tự do và phóng khoáng của mình. Nửa đời này cô gái Hương giang đã sống bằng bằng đam mê của tuổi trẻ, bằng tất cả bản lĩnh và gan dạ.

Giữa lòng dãy Trường Sơn xa xôi, sông Hương sống cuộc đời của một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại, thế nhưng khi ra khỏi rừng già, Hương giang nhanh chóng biến mình sang một dáng vẻ khác, trong một nét tính cách khác. Nó chế ngự bản năng và sức mạnh hoang sơ ban đầu, ném chiếc chìa khóa bí mật vào chân núi Kim Phụng, giấu đi nửa phần đời bí ẩn trước đó. Dù cuộc hành trình trở về với “người tình” mong đợi của nó có gian truân, vất vả đến đâu, Hương giang vẫn khiêm tốn, “đóng kín” tất cả những gì nó đã trải qua. Hành trình lột xác của dòng sông Hương là cả một sự hi sinh lớn lao. Ai bảo rằng khi từ bỏ lối sống vốn là đam mê của mình, con sông Hương không quặn mình đau đớn? Thế nhưng, gạt bỏ tất cả sở thích, bản chất của mình, dòng sông đã biến hóa trở thành một nàng Hương giang đúng điệu mộng mơ, đa tình, đa sắc của Huế. Trở về với đồng bằng, sông Hương lột xác với: “Một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”. Nó đã thể hiện thiên chức cao cả và thiêng liêng của một dòng sông vốn có và nên làm: bồi đắp phù sa màu mỡ cho đồng bằng châu thổ miền Trung, đồng thời chính dòng chảy ấy đã gây dựng nên không gian văn hóa trong tinh hoa xứ Huế, gìn giữ nền văn hóa cổ xưa. Sông Hương mang trong mình một sứ mệnh to lớn với vùng đất cố đô, thế nhưng “dòng sông hình như không muốn bộc lộ” mà chọn cho mình một dòng chảy lặng lẽ, trầm ngâm cùng bước đi của thời gian, ngắm nhìn những thành tựu mà nó đã mất nửa đời người để vun đắp và cống hiến. Như vậy, bằng những hình ảnh liên tưởng phong phú cùng với cảm xúc dâng trào của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trân trọng gọi Hương giang là “người mẹ phù sa”. Cách nói ấy đã thể hiện được phần nào sự tin yêu, cùng niềm tự hào và biết ơn đối với con sông quê hương. Phải chăng Hoàng Phủ đã dùng trái tim để hiểu thấu đáo vẻ đẹp mà ít ai cảm hết được của Hương giang nơi rừng già? Vậy là, có một dòng sông nơi bên kia cửa rừng, và một dòng sông của kinh thành cổ xưa, từ phóng khoáng, cởi mở nay kín đáo, sâu sắc và giàu tâm trạng biết bao.

Men theo dòng chảy lững lờ của Hương giang, về đến ngoại vi thành phố, Hương giang nhanh chóng bỏ lại những nét dữ dội, hoang sơ của rừng già, khoác chiếc áo thật thơ và e ấp: “Một người con gái đẹp nằm mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”. Hoàng Phủ đã vô cùng tinh tế khi sử dụng phép nhân hóa, liên tưởng so sánh độc đáo, sông Hương trở thành người con gái đẹp bừng tỉnh sau giấc ngủ ngàn năm, trong nó tất thảy chứa đựng một tâm hồn, một sắc điệu riêng đặc biệt và sâu sắc. Những bông hoa dại như những điểm nhấn thanh khiết, nhẹ nhàng, tô điểm cho dòng sông một vóc dáng mới, một sức sống mới tràn đầy khao khát khác hẳn với sự rạo rực, bùng cháy của dải hoa đỗ quyên rừng nơi thượng nguồn. Để khắc họa cái duyên thầm, tình tứ, Hoàng Phủ Ngọc Tường ví nàng Hương giang như một người con gái nhẹ nhàng, uốn mình đầy nữ tính trên con đường đi tìm tình yêu đích thực. Và có lẽ Huế chính là người tình đầy mong đợi của nàng. Thay vì “cuồn cuộn”, “mãnh liệt” nơi thượng nguồn hoang vu thì Hương giang lại trở nên e ấp, dịu dàng, quyến rũ với những “đường cong uốn lượn thật mềm mại”. Với lối liên tưởng hết sức tinh tế ấy, ta cảm tưởng đứng trước mắt ta là cô gái Hương giang đang độ đương xuân với thân hình mĩ miều, đang cố gắng thay đổi diện mạo “chuyển dòng một cách liên tục” để đi tìm thành phố tương lai trong mộng tưởng của mình.

“Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Vì vậy đòi hỏi người sáng tạo phải có phong cách nổi bật, tức là cái gì rất riêng mới lạ trong phong cách của mình”. Nếu trong tùy bút “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân đặc tả con sông Đà hung bạo, thế nhưng vào một khoảnh khắc nào đó, nó trở nên dịu dàng, đằm thắm như một cố nhân đối với người đi rừng, thì đến với “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, Hoàng Phủ đã vẽ nên một Hương giang dù vẫn mang nét hoang dại “đi trong dư vang của Trường Sơn”, nhưng vẫn hiện lên như một người con gái yêu kiều với trái tim nồng nàn, mãnh liệt trao cho “chàng trai” xứ Huế. “Nhân sinh là thế, gặp gỡ rồi biệt ly”, cuộc hội ngộ nào rồi cũng sẽ đến lúc phải nói lời tạm biệt. Dòng Hương giang cũng vậy, khi phải rời xa Huế chếch về hướng chính Bắc, Hương giang “ôm lấy đảo Cồn Hến” rồi cứ thế mà đi trong sự bịn rịn, quyến luyến đầy nuối tiếc. Nó ra đi giữa một cảnh sắc mơ màng, trong sự bao quanh sắc xanh của tre trúc hòa lẫn cùng những sắc khói mong mảnh nơi đảo Cồn Hến khiến Huế hiện lên như một bức tranh thủy mặc mang những sợi tơ vương buồn bã của buổi chia xa. Qua những nét bút của người nghệ sĩ đầy tài hoa, cùng biện pháp nhân hóa nội tâm, hình ảnh con sông Hương hiện lên không còn là một sự vật vô tri vô giác, mà hình dáng và tâm hồn của nó như thể một con người, biết quay đầu trở về nơi yêu thương, biết bộc lộ cảm xúc trước sự xa cách. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đặc biệt gọi đó là “nỗi vấn vương, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu” khi sông Hương bỗng đổi dòng “gặp thành phố ở góc thị trấn Bao Vinh xưa” để nói lời chào tạm biệt Huế lần cuối cùng. Huế và Hương giang tưởng chừng như một đôi tình nhân đầy quyến luyến không thể tách rời. Hiểu được tâm tình ấy, liệu tình yêu có đủ dũng cảm để chia ly? Nhà văn họ Hoàng đã thổi hồn vào cho dòng sông để rồi ví sự dùng dằng của Hương giang như cuộc gặp gỡ của Thúy Kiều và Kim Trọng trong đêm: “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, để nói lời thề non hẹn ước: “Sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề nguyền trước khi về biển cả”, lời thề của nó cũng là tình cảm của người dân Châu Hóa một lòng chung tình với thành phố Huế. Phải nói rằng, từ thượng nguồn cho đến cuộc chia này, sông Hương đã đi với Huế cả một mối tình đầy trọn vẹn, một mối tình có đầu có cuối, có thủy có chung, một mối tình ngổn ngang biết bao tâm trạng và dòng xúc cảm khác biệt để cho độc giả thấy rằng: sông Hương gắn chặt với linh hồn của cố đô xưa, chẳng bao giờ có thể tìm được dòng sông thứ hai nào có thể mang cho Huế sự đồng điệu và trầm ngâm đến vậy. Tất cả chỉ có thể là Hương giang của Huế, và Huế của Hương giang mà thôi!

Những phát hiện thú vị đậm màu sắc văn chương của tác giả về dòng sông khiến Hương giang vốn đã đẹp ngỡ ngàng, nay dưới con mắt đầy nghệ thuật của Hoàng Phủ lại càng duyên dáng và giàu cảm xúc. Cách liên tưởng của tác giả đã khiến ta cảm nhận vẻ đẹp của con sông Hương từ hình dáng bên ngoài cho đến vẻ đẹp tâm hồn sâu thẳm bên trong. Nó đã thể hiện tình yêu say đắm, nồng nàn và sâu sắc với Huế mộng Huế mơ. Quả thực bằng những con chữ có hồn, cùng bầu cảm xúc mãnh liệt và đa cảm kết hợp các phép tu từ so sánh, nhân hóa, Hoàng Phủ đã làm nổi bật vẻ đẹp “thẳm sâu” trong tâm hồn Hương giang, từ đó tô điểm thêm cho con người xứ Huế. “Người phu chữ” cùng “cái tôi” của mình thăng hoa trên mảnh đất màu mỡ của hiện thực cuộc sống, “gạn đục khơi trong”, “đãi cát tìm vàng” những vẻ đẹp diệu kỳ mà thiên nhiên, tạo hóa ban tặng cho nhân loại.

“Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thi ca của sự thật”. Và đó cũng là cách mà Hoàng Phủ làm nên kiệt tác văn chương thấm đượm chất trữ tình “Ai đã đặt tên cho dòng sông? Qua bài bút kí đậm chất thơ ấy, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khẳng định được cái bản ngã riêng trong phong cách sáng tạo của mình, đặc biệt là trong thể loại kí. Vốn được sinh ra và lớn lên tại miền đất cố đô Huế, hơn ai hết, nhà văn là người rất am hiểu về lịch sử, thiên nhiên và con người nơi đây. Bởi vậy, từng thước văn trên mỗi áng văn đều là những chắt lọc tinh túy và đẹp đẽ về vùng đất Huế ruột thịt với những giá trị thẩm mỹ đặc biệt khiến Hoàng Cát cũng phải khẳng định rằng: “Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn hiện lên là một nhà văn hóa hành văn vô cùng độc đáo, một cuốn từ điển sống về Huế”. Bên cạnh đó, vốn kiến thức uyên bác và tài hoa trên nhiều lĩnh vực còn được ông tích lũy qua nhiều chuyến đi điền dã đến mọi miền của Tổ quốc để tìm hiểu, khám phá sự việc ở chiều sau của nó. Không chỉ vậy, với hình tượng nhân vật “tôi” hết sức hấp dẫn, khác hẳn với cái tôi trong truyện ngắn hay thơ trữ tình, một cái “tôi” trực tiếp, truyền tải đến người đọc những giá trị chân thực sau mỗi nét chữ, câu văn. Những ánh lửa bập bùng nở ra qua từng vẻ đẹp của Hương giang giúp từng con chữ như được nhảy múa, sáng rực trong bức kí họa, để rồi khi đủ hơi “ấm”, người ta vẫn sẽ mãi nhớ đến Hoàng Phủ Ngọc Tường với dòng Hương giang đầy kì lạ và đắm say. Và cũng chính nhờ vốn hiểu biết phong phú, cùng những kiến thức liên ngành đã giúp nhà văn khám phá vẻ đẹp đa dạng của con sông Hương trên nhiều phương diện, đặt sông Hương vào giữa sự hòa quyện chất trí tuệ và chất thơ để tạo nên một dòng sông nghệ thuật quyến rũ như biết đi, biết tạo hình trên mỗi trang văn. Đồng thời kết hợp với lối văn hướng nội, thể hiện ở những sự kiện vang bóng trong tâm hồn, cùng hành trình đi sâu tìm kiếm vẻ đẹp văn hóa một thời đã làm nên nét rất riêng cho thể kí của Hoàng Phủ. Đồng thời qua bàn tay nhào nặn, một thứ ngôn ngữ rất đẹp, tinh tế và lịch lãm đã ra đời cùng những ví von so sánh đậm thơ đắm nhạc. Cuối cùng chính tình yêu thiên nhiên, quê hương sâu đậm, nồng thắm và ánh nhìn lãng mạn đã nâng đỡ bước chân ông trên mọi lời văn, trang sách: “Là thi sĩ của thiên nhiên, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhạy cảm với cỏ dại, cỏ gai, ngàn thông, chim sẻ… Là thi sĩ của thiên nhiên, những trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang đến cho người đọc những miền không gian xanh thẳm, ẩn chìm những vết trầm tích văn hoá từ thiên nhiên” . Thứ tình cảm, cảm xúc chân thành ấy đã trở thành điều kiện tiên quyết cho những sáng tác của Hoàng Phủ, bởi rằng tình yêu tha thiết, gắn bó ấy đã chiếm trọn tâm hồn ông. Nếu ví sông Hương là người tình mong đợi của xứ Huế thì Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là người tình mong đợi của sông Hương dưới cái nhìn mê đắm và tài hoa. Cứ thế Hoàng Phủ Ngọc Tường đã góp thêm cho kí Việt một tiếng nói rất riêng của một nhà văn rất Huế.

Nguyễn Tuân khẳng định: “Kí Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa”. Giờ đây những “ánh lửa” ấy đã được đón nhận và sưởi ấm bằng cách lan tỏa những con chữ trên trang văn, để chúng len lỏi vào từng tế bào của người đọc một niềm yêu thương tha thiết mãnh liệt với cố đô Huế và dòng Hương giang. Tuy chỉ qua một đoạn kí ngắn gọn về dòng sông, nhưng cũng đủ để ta thêm yêu cảnh sắc trên dải đất Việt Nam và trân trọng tài năng, sự hun đúc của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phác họa nên một bức tranh hoàn chỉnh và đa chiều về sông Hương. Qua hình ảnh con sông mang nét đẹp hoa lệ ấy, nhà văn cũng muốn nhắn nhủ tới những thế hệ đi sau phải luôn trân trọng những giá trị thiên nhiên ban tặng, hãy trở thành người bạn tâm giao để bảo vệ vẻ đẹp ấy mãi mãi trường tồn với thời gian, đừng để lớp bụi thời gian phủ đầy lên những vẻ đẹp đó, để rồi sau này không thể nào xóa bỏ được lớp bọc ấy mà sống trong hối tiếc!

Từng lời chữ, câu văn dường như đã đến lúc phải kết thúc thật rồi. Ấy vậy mà, trong sâu thẳm trái tim của người viết vẫn không thể nào quên được bóng hình của dòng Hương giang nơi thượng nguồn, khi về ngoại vi thành phố và khi tạm biệt kinh thành Huế. Có lẽ sức đọng của nó quá lớn, quá da diết để có thể quên ngay được một dáng hình “chuyển dòng một cách liên tục”. Sông Hương đã trở thành gương mặt kinh thành của Huế, là linh hồn, là cuộc sống bao đời nay của người dân xứ Huế, sông Hương chính là Huế. Cảm ơn tạo hóa, cảm ơn ông Trời đã tạo nên mối lương duyên kì diệu cho Huế, cho sông Hương; và Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là người mai mối tốt đẹp nhất cho mối duyên cơ này:

“Con sông dùng dằng con sông không chảy

Sông chảy vào lòng Huế nên rất sâu”.

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận

Keisha 26/04/2024

May I just say what a relief to discover smebody who genuinely
understands what they are discussing online.

You certainly understaznd how to bring a problem to
light and make it important. A lot more people really need to look
at this and understand this side oof the story. I was surprisd you aren't more popular since you
certainly possess the gift.

Also visit my web blog :: https://Sites.Google.com/view/gambling-gamingindustry

BrandonScons 11/04/2024

hair follicle drug [url= https://forums.dieviete.lv/profils/127605/forum/ ] https://forums.dieviete.lv/profils/127605/forum/ [/url] mephedrone drug test

Wendy 02/04/2024

What a material of un-ambiguity and preserveness of precious experience about unexpected emotions.


My sit - https://theslotsonline.mystrikingly.com/