Dải hội tụ nhiệt đới là gì?

Dải hội tụ nhiệt đới là gì?

Chắc hẳn khi học tới phần Khí hậu Việt Nam, chúng ta sẽ nghe thầy cô nhắc nhiều tới “Dải hội tụ nhiệt đới”. Vậy dải hội tụ nhiệt đới là gì và nó có ảnh hưởng thế nào đến khí hậu Việt Nam? Cùng Địa lí thầy Tùng khám phá qua bài viết này nhé!

1. Dải hội tụ nhiệt đới là gì?

- ITCZ - CIT - FIT??? Chúng đều là những thuật ngữ chỉ về dải hội tụ nhiệt đới hay là dải hội tụ nội chí tuyến, song ITCZ là thuật ngữ mang tính quốc tế, viết tắt cho Intertropical Convergence Zone. Đây là một khu vực thời tiết xấu giữa hai luồng gió của hai bán cầu hội tụ lại mà gây luồng thăng, hoặc giữa hai luồng Tín phong Nam và Bắc bán cầu, hoặc giữa Tín phong của bán cầu mùa hạ và gió mùa vượt Xích đạo xuất phát từ bán cầu mùa đông.

- Miền hội tụ rộng từ 80 đến 600km tùy theo cường độ hội tụ và góc hội tụ giữa hai luồng gió. Nếu góc hội tụ lớn và gió hai bên thổi mạnh, dải hội tụ sẽ hoạt động mạnh và gây mưa lớn. Dải hội tụ nhiệt đới chân chính thường chỉ được hình thành trên biển, còn trên đất liền chỉ là một đường vạch theo trục của các áp thấp nội chí tuyến, đó là hiện tượng quan sát thấy ở Đông Dương và Việt Nam.

2. Dải hội tụ nhiệt đới ở Việt Nam

Ở nước ta, dải hội tụ nhiệt đới hoạt động trên phạm vi cả nước vào thời kì mùa hạ (từ tháng V đến tháng X), được hình thành giữa các luồng gió mùa mùa hạ (gió Tây Nam từ vịnh Bengan, gió mùa Tây Nam) và Tín Phong bán cầu Bắc.

- Vào đầu mùa hạ (từ tháng V đến tháng VII):
+ Tín phong bán cầu Bắc gặp gió Tây Nam Từ vịnh Bengan tạo nên dải hội tụ nhiệt đới chạy theo hướng kinh tuyến, gây mưa đầu mùa cho cả nước và mưa lớn cho đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên.
+ Do gió tây nam từ vịnh Bengan mạnh hơn đẩy Tín phong bán cầu Bắc ra ngoài xa về phía đông nên dải hội tụ ít có dịp lấn vào đất liền ở miền Bắc, chủ yếu chạy dọc theo Philippin, đoạn cuối áp sát vào miền Nam nước ta.
+ Dải hội tụ nhiệt đới vào thời kỳ này là nguyên nhân gây mưa Tiểu mãn (vào tiết Tiểu mãn đầu tháng VI) ở Trung Bộ nước ta.

 

- Vào giữa và cuối mùa hạ (từ tháng VIII đến tháng X):
+ Tín phong bán cầu Bắc gặp gió mùa Tây Nam tạo nên dải hội tụ nhiệt đới chạy theo hướng vĩ tuyến, vắt ngang qua lãnh thổ nước ta, gây mưa lớn.
+ Dải hội tụ này lùi dần theo chuyển động biểu kiến của Mặt Trời: Tháng VIII gây ra thời tiết mưa “ngâu” rất điển hình cho Bắc Bộ, đến tháng IX dải hội tụ vắt ngang ở Trung Bộ, sang tháng X quanh quẩn ở Nam Bộ, sau đó đến tháng XI thì lùi xuống vĩ độ trung bình ở Xích đạo.
+ Sự lùi dần về vị trí trung bình của dải hội tụ nhiệt đới tương ứng với sự suy yếu dần của gió mùa Tây Nam từ tháng VIII đến tháng X có thể giải thích hiện tượng tháng mưa cực đại lùi dần từ bắc vào nam, vì hoạt động của gió
mùa Tây Nam cùng với dải hội tụ nhiệt đới là nguyên nhân chủ yếu gây mưa vào mùa hạ cho cả hai miền Nam, Bắc và mưa vào tháng IX cho Trung Bộ. (@Địa lí thầy Tùng) Mưa lớn, kéo dài, thường do các xoáy áp thấp và bão xuất hiện trong dải hội tụ nhiệt đới gây nên.
______
Trương Hiếu Tài – Địa lí thầy Tùng.
Bài viết thuộc Phòng Chuyên môn của Địa lí thầy Tùng. Vui lòng không sao chép khi chưa được sự đồng ý. 

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận