Khí hậu Việt Nam phân hoá đa dạng

Khí hậu Việt Nam phân hoá đa dạng

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nhưng phân hóa đa dạng, phức tạp. Sự phân hóa này diễn ra ở nhiều chiều: theo thời gian và theo không gian do tác động của nhiều nhân tố khác nhau. Hôm nay, Địa lí thầy Tùng sẽ cùng các em tìm hiểu về đặc điểm sự phân hóa của khí hậu Việt Nam và các nhân tố ảnh hưởng.

1. Các nhân tố tạo nên sự phân hóa của khí hậu Việt Nam

a. Vị trí địa lí và hình dạng lãnh thổ

- Vị trí địa lí và hình thể góp phần làm khí hậu nước ta có sự phân hóa đa dạng.

- Vị trí địa lí của nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến bán cầu Bắc nên có Tín phong hoạt động quanh năm, lại nằm trong vùng hoạt động mạnh của hoàn lưu gió mùa châu Á.

- Lãnh thổ nước ta trải dài trên nhiều vĩ tuyến (khoảng 150 vĩ tuyến), phía Bắc gần chí tuyến Bắc trong khi phía Nam lại gần Xích đạo.

b. Hoàn lưu khí quyển

- Hoàn lưu khí quyển bao gồm các loại gió và khối khí hoạt động thường xuyên, quanh năm hoặc theo mùa.

- Nước ta chịu ảnh hưởng của hoàn lưu gió mùa. Đây là nhân tố chủ yếu gây ra sự phân hóa theo mùa và phân hóa không gian theo chiều Bắc – Nam.

c. Ảnh hưởng của địa hình

- Độ cao địa hình là nhân tố trực tiếp tạo nên sự phân hóa khí hậu theo độ cao.

- Hướng địa hình kết hợp với các hướng gió thịnh hành trong năm gây ra sự phân hóa theo hướng sườn (phân hóa Đông – Tây) và phân hóa địa phương.

2. Đặc điểm sự phân hóa của khí hậu Việt Nam

a. Phân hóa theo không gian

Sự phân hóa theo không gian của khí hậu Việt Nam tuân theo các quy luật chung của lớp vỏ địa lý, đó là quy luật địa đới và quy luật phi địa đới (gồm quy luật đai cao và quy luật địa ô).

- Phân hóa theo chiều Bắc – Nam (thể hiện quy luật địa đới):

+ Chế độ nhiệt: Nhiệt độ trung bình năm tăng dần từ Bắc vào Nam; nhiệt độ trung bình tháng I tăng nhanh từ Bắc vào Nam; biên độ nhiệt trung bình năm giảm dần từ Bắc vào Nam; miền Bắc có 1 cực đại trong chế độ nhiệt (tháng VII) còn miền Nam có 2 cực đại trong chế độ nhiệt (tháng IV và tháng VIII).

+ Chế độ mưa: Thời gian mùa mưa và tháng mưa cực đại chậm dần từ Bắc vào Nam (Bắc Bộ mưa từ tháng V đến tháng X, Trung Bộ từ tháng XI đến tháng XII hoặc tháng I năm sau, Nam Bộ mưa từ tháng V đến tháng XI).

+ Chế độ gió: Từ tháng XI đến tháng IV năm sau, phần lãnh thổ phía Bắc có gió mùa Đông Bắc hoạt động xen kẽ với Tín phong bán cầu Bắc, phần lãnh thổ phía Nam có Tín phong bán cầu Bắc chiếm ưu thế tuyệt đối.

+ Phân hóa khí hậu thành hai miền: miền khí hậu phía Bắc và miền khí hậu phía Nam với ranh giới tự nhiên là dãy Bạch Mã.

- Phân hóa theo độ cao địa hình (thể hiện quy luật đai cao):

+ Chế độ nhiệt: Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm nên ở miền núi có nhiệt độ thấp hơn ở đồng bằng.

+ Chế độ mưa: Độ cao kết hợp hướng sườn dẫn đến việc hình thành các trung tâm mưa nhiều, mưa ít của nước ta. Những vùng núi cao, đón gió thì mưa nhiều (Bắc Quang (Hà Giang), vùng núi ở Huế, Quảng Nam, Hoàng Liên Sơn,…) còn những vùng núi thấp, khuất gió thì mưa ít (lòng máng Cao – Lạng, thung lũng sông Ba, Mường Xén (Nghệ An)).

+ Phân hóa khí hậu theo độ cao: hình thành ba đai cao là đai nhiệt đới gió mùa chân núi, đai cận nhiệt gió mùa trên núi và đai ôn đới gió mùa trên núi.

- Phân hóa theo chiều Đông – Tây (thể hiện quy luật địa ô):

+ Chế độ nhiệt: Sự phân hóa được thể hiện rõ trong nhiệt độ mùa đông giữa Đông Bắc và Tây Bắc. Đông Bắc có mùa đông lạnh, kéo dài 3 tháng, đến sớm và kết thúc muộn. Tây Bắc có mùa đông bớt lạnh, ngắn hơn, đến muộn và kết thúc sớm.

+ Chế độ mưa: Sự phân hóa được thể hiện rõ trong sự tương phản chế độ mưa giữa Tây Nguyên và Đông Trường Sơn. Tây Nguyên có mùa mưa kéo dài từ tháng V đến tháng X, trong khi Đông Trường Sơn có mùa mưa kéo dài từ tháng XI đến tháng XII hoặc tháng I năm sau.

b. Phân hóa theo thời gian

- Sự phân hóa mùa trong chế độ nhiệt:

+ Nhiệt độ trung bình tháng I thấp hơn nhiệt độ trung bình tháng VII, thể hiện rõ trong hai bản đồ nhiệt độ tháng I và tháng VII trong Atlat Địa lí Việt Nam.

+ Phần lãnh thổ phía Bắc có sự chênh lệch nhiệt độ giữa mùa nóng và mùa lạnh lớn hơn nhiều so với phần lãnh thổ phía Nam.

- Sự phân hóa mùa trong chế độ mưa:

+ Chế độ mưa của nước ta phân hóa thành hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, thể hiện rõ trong sự tương phản sắc độ màu trên bản đồ “Lượng mưa từ tháng X – X” và “Lượng mưa từ tháng XI – IV” trong Atlat Địa lí Việt Nam.

+ Thời gian mùa mưa ở các khu vực có sự khác nhau: Bắc Bộ và Nam Bộ mưa nhiều vào mùa hạ, Trung Bộ mưa nhiều vào thời kì thu – đông.

- Hoàn lưu khí quyển có sự khác nhau theo mùa:

+ Tháng V đến tháng X: có sự hoạt động của gió tây nam từ vịnh Ben-gan tới, gió mùa Tây Nam, gió đông nam, Tín phong bán cầu Bắc, gió Tây (gió phơn khô nóng); dải hội tụ nhiệt đới, bão, áp thấp nhiệt đới.

+ Tháng XI đến tháng IV: có sự hoạt động của gió mùa Đông Bắc, Tín phong bán cầu Bắc; front cực, bão (muộn).

____

Dương Phương – Địa lí thầy Tùng.

Bài viết thuộc Phòng Chuyên môn của Địa lí thầy Tùng. Vui lòng không sao chép khi chưa được sự đồng ý.

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận