Tác động của đại hình đến khí hậu miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ
- Người viết: AT SCHOOL lúc
- Địa lí
- - 0 Bình luận
1. Khí hậu phân hóa theo độ cao rõ nét; do địa hình cao nhất cả nước:
Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có khí hậu phân hóa theo đai cao rõ rệt nhất, là miền địa lí tự nhiên duy nhất có đủ ba đai cao:
- Đai nhiệt đới gió mùa chân núi: giới hạn từ mặt đất lên đến độ cao 600 - 700m, khí hậu nhiệt đới, có nhiệt độ trung bình năm cao, mùa hạ nóng, độ ẩm thay đổi tùy nơi.
- Đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi: giới hạn từ độ cao 600 - 700m đến 2600m, khí hậu mang tính chất cận nhiệt đới, không tháng nào nhiệt độ cao trên 25 độ C, mưa nhiều hơn, độ ẩm tăng.
- Đai ôn đới gió mùa trên núi: có độ cao từ trên 2600m, chỉ có ở dãy Hoàng Liên Sơn, khí hậu tương đồng với vùng ôn đới. Quanh năm nhiệt độ thấp dưới 15 độ C, mùa đông hạ thấp dưới 5 độ C.
- Sự phân hóa khí hậu theo đai cao chủ yếu do miền có địa hình cao nhất Việt Nam, phổ biến từ 500 - 1000m và trên 1000m. Đây là miền núi non trùng điệp, nhiều dãy núi cao, đồ sộ (Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn Bắc,…), các cao nguyên cao (Sơn La, Mộc Châu,…) và các đỉnh núi cao trên 2000m (Phan-xi-păng, Pu Si Lung, Phu Hoạt,…).
2. Khí hậu phân hóa theo hướng sườn; do hướng các loại gió kết hợp với hướng các dãy núi chính trong miền:
* Mùa đông (tháng 11 đến tháng 4 năm sau):
- Mùa đông của miền bớt lạnh, đến muộn và kết thúc sớm, tính nhiệt đới tăng lên. Miền núi cũng thường chỉ có ba tháng lạnh với nhiệt độ trung bình dưới 18 độ C. Ngay cả khi gió mùa Đông Bắc tràn tới, nhiệt độ ở đây cũng thường cao hơn miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ từ 2 - 3 độ C.
- Nguyên nhân: Dãy Hoàng Liên Sơn có hướng tây bắc - đông nam tạo thành bức tường lớn chắn gió mùa Đông Bắc xâm nhập sâu vào phía Tây, vì vậy chỉ có những đợt gió mùa Đông Bắc mạnh mới có thể xâm nhập vào miền, nhưng cường độ đã bị giảm. Dãy Hoành Sơn chạy hướng tây - đông góp phần ngăn ảnh hưởng của không khí lạnh xuống phía nam của miền. Những đợt gió mùa Đông Bắc yếu, vào đầu mùa và cuối mùa ít ảnh hưởng đến miền nên mùa đông ngắn, đến muộn và kết thúc sớm.
* Đầu mùa hạ (tháng 5 đến tháng 7):
- Đầu mùa hạ ở Bắc Trung Bộ và phía nam Tây Bắc khô nóng do có phơn mạnh, khiến mùa mưa ở Bắc Trung Bộ lùi về thu – đông.
- Nguyên nhân: Khu vực này nằm ở sườn khuất gió (gió tây nam từ vịnh Ben-gan) của các dãy núi lớn chạy dọc biên giới Việt - Lào. Đầu mùa hạ, gió tây nam từ vịnh Ben-gan tới, vuông góc với các dãy núi phía tây, gây mưa nhiều cho sườn đón gió. Khi sang phía đông, gió tây nam bị biến tính, gây ra thời tiết nóng, độ ẩm thấp cho khu vực này.
* Mùa mưa của miền chậm dần từ Bắc vào Nam, Bắc Trung Bộ có mùa mưa lệch về thu – đông:
- Khu vực Tây Bắc có mưa vào mùa hạ (Lai Châu mưa từ tháng 5 đến tháng 9), mùa mưa lùi dần về thu – đông khi đi về phía Nam (Thanh Hóa từ tháng 5 đến tháng 10, Quảng Bình mưa từ tháng 9 đến tháng 11).
- Nguyên nhân: Khu vực Tây Bắc trong mùa hạ đón gió tây nam, gió đông nam và chịu tác động của dải hội tụ nên có mưa nhiều. Bắc Trung Bộ có mưa nhiều vào thu – đông do gió đông bắc di chuyển qua biển tương tác với địa hình đón gió là dãy Trường Sơn Bắc (hướng tây bắc - đông nam), gây mưa lớn; ngoài ra còn chịu tác động của bão (tháng 9 với tần suất 1,3 - 1,7 cơn/tháng, tháng 10 với 1 - 1,3 cơn/tháng), front và dải hội tụ. Điều này dẫn đến mùa mưa ở miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ chậm dần về phía nam.
3. Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có một số loại thiên tai như sương muối, sương giá, băng tuyết,… chủ yếu do độ cao địa hình, với nhiều đỉnh núi cao trên 2000m kết hợp với mùa đông lạnh.
____
Dương Phương – Địa lí thầy Tùng.
Bài viết thuộc Phòng Chuyên môn của Địa lí thầy Tùng. Vui lòng không sao chép khi chưa được sự đồng ý.